Chiều ngày 5/10, Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức họp phiên thường kỳ lần thứ IV/2017. Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chủ trì phiên họp.
Tính đến cuối tháng 9, tổng nguồn vốn huy động là 208,6 tỷ đồng, đạt 112,2% kế hoạch, tăng 80,6 tỷ đồng so với đầu năm. Huy động nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương tăng 5,5 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch giao. Doanh số cho vay đạt 634,4 tỷ đồng với gần 20.000 lượt khách hàng vay. Doanh số thu nợ đạt gần 489 tỷ đồng, giảm 37,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ đạt 2.731 tỷ đồng, tăng 145,9 tỷ đồng so với đầu năm. Dư nợ tăng tập trung vào 6 chương trình: hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường, hộ sản xuất kinh doanh, hộ nghèo làm nhà ở, giải quyết việc làm.
 |
Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chủ trì phiên họp. |
Trong 9 tháng đầu năm, công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức trong mạng lưới tiếp tục được quan tâm và thực hiện quyết liệt. Do đó, chất lượng tín dụng được duy trì ổn định. Tính đến cuối tháng 9/2017, tổng nợ quá hạn và khoanh nợ là 6,2 tỷ đồng, giảm so với đầu năm 1,2 tỷ đồng.
Kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2017. Bên cạnh đó, cần tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương để cho vay có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt là chương trình cho vay hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Tập trung chỉ đạo thống kê, lập hồ sơ xử lý nợ đối với các khách hàng bị thiệt hại do bão số 10; điều tra, rà soát để thực hiện các chính sách giãn nợ, cho vay đối với các hộ có nhu cầu sản xuất kinh doanh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức mạng lưới, các tổ chức chính trị - xã hội, qua đó sớm có giải pháp chỉ đạo khắc phục các tồn tại, hạn chế; đồng thời, trong thời gian tới, tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới cho người dân.