Bo truong Le Minh Hoan: Linh hoat, thich ung se quyet dinh thanh cong hinh anh 1Sơ chế thanh long xuất khẩu ở Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã vượt “sóng” lớn 2021 về đích thành công. Nhưng qua đây cũng cho thấy rõ hơn những hạn chế mà ngành cần khắc phục.

Phóng viên TTXVN đã ghi lại những chia sẻ về sự thành công, những điểm còn hạn chế cũng như những định hướng của ngành trong thời gian tới của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

- Nhìn lại một năm khó khăn không chỉ với thời tiết, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, ngành nông nghiệp còn chịu tác động của dịch COVID-19, Bộ trưởng có đánh giá gì về kết quả ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt được trong năm 2021?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Vào thời điểm quý 3/2021, dịch diễn biến phức tạp tại các tỉnh thành phía Nam với các trung tâm công, nông nghiệp lớn cả nước đã làm đứt gãy chuỗi ngành hàng nông sản từ sản xuất đến vận chuyển; chế biến, phân phối khó khăn, ngưng trệ. Thị trường xuất khẩu cũng khó khăn, nhưng chúng ta đã vượt qua và hoàn thành được các chỉ tiêu.

Điều đó nói lên sự năng động, thích ứng nhanh nhạy trong bộ máy quản lý chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, người nông dân. Sự kết nối các ngành hàng, doanh nghiệp để giữ vững thị trường, góp phần phục hồi nhanh những tháng cuối năm.

Chúng ta tự hào với hàng chục triệu người dân bị giãn cách nhưng lương thực, thực phẩm vẫn đến được từng ngôi nhà. Ở một vài thời điểm, cục bộ một số nơi có chút khó khăn nhưng chúng ta luôn đảm bảo đủ thực phẩm. Quan trọng là vấn đề xã hội tạo ra sự trấn an rất lớn.

Thông qua các Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp có được nguyên liệu chế biến trong thời điểm mà các địa phương có các quy định khác nhau về giãn cách xã hội.

Vai trò kết nối, điều phối của các Tổ công tác của Bộ, sự phối hợp với các bộ, ngành, thành tích chung của ngành nông nghiệp năm 2021 vượt các chỉ tiêu đã đề ra là sự phấn đấu rất lớn của toàn thể nhân dân. Từ đó khẳng định lại một lần nữa vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp khi đất nước rơi vào khó khăn.

- Bên cạnh các tác động tiêu cực, dịch COVID-19 cũng cho chúng ta thấy nhiều hạn chế, bất cập, vậy đâu là điểm mà Bộ trưởng thấy cần khắc phục sớm để nông nghiệp, nông thôn phát triển, nông dân giàu có từ nông nghiệp trước những thách thức phi truyền thống?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Những điều được xem như xử lý tình huống thì trong giai đoạn tới xem đó là vấn đề để chúng ta bổ sung vào quy trình, quy chế, kịch bản để ứng phó linh hoạt bất kỳ tình huống nào. Nếu không do đại dịch thì bản chất thị trường cũng luôn luôn biến động với những giá trị cốt lõi, xuyên suốt và những gì phải bổ sung.

Như chuỗi cung ứng, vấn đề là không phải đẩy mạnh sản xuất nữa mà chính là chuỗi cung ứng cần có sự chủ động, bao gồm xác định quy mô thị trường trong từng thời điểm để điều chỉnh sản xuất phù hợp. Chuỗi cung ứng đó phải được đảm bảo hệ thống logistics trong nông nghiệp.

Chúng ta hay nói logistics là nói về xuất khẩu. Nhưng với thị trường 100 triệu dân trong nước thì chuỗi cung ứng cho thị trường trong nước cần đầu tư nhiều hơn, không chỉ đầu tư cho sản xuất mà chuyển một phần đầu tư sang đầu tư cho chuỗi cung ứng như: hệ thống kho bãi, các cơ sở phân loại sản phẩm, chế biến. Để khi bị đứt gãy thì có chỗ giữ lại, chỗ tạo ra giá trị cao hơn từ nội địa lên cửa khẩu biên giới.

Bo truong Le Minh Hoan: Linh hoat, thich ung se quyet dinh thanh cong hinh anh 2Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Để đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu thì trước hết phải đảm bảo chuỗi cung ứng trong nước. Do đó, trong chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ, Bộ đã đề xuất và được chấp nhận là việc đầu tư chuỗi cung ứng, logistics nền nông nghiệp để vừa đảm bảo nền tảng thị trường trong nước, vừa tham gia xuất khẩu chủ động hơn.

Bên cạnh đó là thông tin dữ liệu, tôi thường nói là nền nông nghiệp “mù mờ.” Mù mờ trong trạng thái bình thường đã khó điều hành, khi có nhiều yếu tố tác động mà càng mù mờ thì càng dễ bị đứt gãy, sự điều phối không đúng nơi, đúng chỗ. Do đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp là xây dựng cơ sở dữ liệu từ đầu cung cho tới đầu cầu.

Thông qua cơ sở dữ liệu đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phát huy vai trò điều phối, tổ chức sản xuất. Đây là điều mà chúng tôi rút ra sau đại dịch.

Những gì chúng ta đã nhìn thấy là những tồn tại của ngành nông nghiệp khi không có đại dịch. Câu chuyện thị trường bất ổn sẽ vẫn tiếp tục do nhiều tác động. Bởi vậy, kịch bản thích ứng linh hoạt điều phối kịp thời trong từng giai đoạn đòi hỏi bộ máy ngành phải năng động hơn, không chỉ là một kế hoạch hoàn chỉnh. Tôi cho rằng sự linh hoạt, thích ứng mới là sự quyết định cho sự thành công.

- Năm 2022, Bộ sẽ có kế hoạch thế nào để duy trì kết quả đạt được của năm 2021, trong bối cảnh thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Có một từ có thể nói về năm 2021 là “biến.” Đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Người Việt Nam khi có biến cũng biến theo và cho thấy rất linh hoạt, năng động. Thông qua biến đó, chúng ta nhận thấy rằng cái gì đang là ưu điểm, cái gì là nhược điểm.

Nhờ COVID-19 mới bộc lộ những vấn đề đâu là mặt mạnh, đâu mà mặt yếu mà cần vun đắp thêm, chỉnh sửa con đường đi của mình. Tôi rất hạnh phúc là qua năm 2021, đội ngũ cán bộ của ngành nông nghiệp đã nhìn lại, có tư duy tiếp cận khác, cách đi khác chứ không chỉ loay hoay với cách đang vận hành.

Đầu tiên là ngành tiếp tục làm đậm nét hơn, rõ hơn và sâu sắc hơn về chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Có thể khi chuyển sang như vậy thì một ngành hàng nào đó có thể bị giảm thứ hạng đi nhưng mang lại giá trị gia tăng cao hơn và mang lại thu nhập thực tế cho nông dân cao hơn.

Chúng ta phải giải quyết được bài toán nghịch lý là tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp không đồng nhất với thu nhập của người nông dân. Lẽ ra hai đường này phải đi song song nhau nhưng một đường đi nhanh, một đường đi chậm. Đây là điều mà tôi rất ưu tư.

Đây sẽ là vấn đề mà Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đang được xây dựng sẽ phải giải quyết. Đó là làm sao hai cái đó đi song hành với nhau thì mới mang lại thành tựu kép.

Năm 2022 ngành nông nghiệp sẽ khởi động các chương trình như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn sắp tới không chỉ chú trọng về đầu tư hạ tầng như đường, cầu cống, hạ tầng thủy lợi… mà quan trọng là hạ tầng kinh tế nông thôn. Kích hoạt kinh tế nông thôn từ hợp tác xã, du lịch nông thôn, mỗi xã một sản phẩm (OCOP) - đó là hướng để nâng cao năng lực cộng đồng.

Ngành hướng đến để các hộ nông dân có thể làm bớt phần nào trong chuỗi sản xuất thay cho doanh nghiệp để nông dân không chỉ có thu từ sản lượng tạo ra mà còn thêm giá trị gia tăng từ sản phẩm thô sang sản phẩm sơ chế, đóng gói. Đó là hướng đi của nông thôn mới.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 
Theo Bích Hồng
vietnamplus.vn