Doanh nghiep va nguoi dan cung co loi khi giam thue gia tri gia tang hinh anh 1Nhiều chuyên gia cho rằng việc giảm thuế giá trị gia tăng là cần thiết để hỗ trợ người dân
và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Thuế giá trị gia tăng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ giảm từ mức 10% xuống còn 8% đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2 đến hết ngày 31/12/2022 theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp và người dân sau đại dịch COVID-19.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến các chính sách này sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước của năm 2022 khoảng 51.400 tỷ đồng. Trong số đó, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là khoảng 49.400 tỷ đồng; thực hiện chi phí được trừ đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 là khoảng 2.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Để nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết thi hành. Do đó, Bộ Tài chính sẽ không ban hành thông tư hướng dẫn. Đối với các vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 15/2022/NĐ-CP về việc trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn, giải quyết.

Theo các chuyên gia kinh tế, thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, khi Quốc hội, Chính phủ quyết định giảm thuế giá trị gia tăng vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa ổn định kinh tế vĩ mô kiểm soát lạm phát. Điều này, sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm phục hồi cả người tiêu dùng và doanh nghiệp cùng chia sẻ lợi ích này.

Ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng việc giảm thuế sẽ giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển, bởi chính sách này sẽ tác động đa chiều đến nền kinh tế, khiến người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi.

Theo ông Nguyễn Văn Được việc giảm thuế giá trị gia tăng làm cho cán cân cung-cầu của nền kinh tế được gần nhau hơn, từ đó thị trường sẽ xác lập mức giá mới thấp hơn mức giá khi không giảm thuế. Điều này cũng sẽ góp phần vào công cuộc giảm tỷ lệ lạm phát trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, Tiến sỹ Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Quỹ Chống hàng giả, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp cho biết chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, ngoài giảm được số thuế các doanh nghiệp phải nộp, điều quan trọng nhất là góp phần kích cầu tiêu dùng. Bởi lẽ, trong 2 năm trở lại đây, tổng cầu đang giảm, trong khi đó tổng cung lại tăng đột biến.

Chính vì vậy, khi giảm thuế giá trị gia tăng, ngoài doanh nghiệp, người dân, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi. Với thực tế hiện nay, mặt bằng hàng hóa đã có chất lượng, giá cả cạnh tranh thì người dân sẽ càng có lợi khi được mua hàng hóa với một mức giá hợp lý hơn.

Phân tích kỹ hơn, theo Tiến sỹ Mạc Quốc Anh, kích cầu giúp tăng thu ngân sách, đặc biệt, trong một chuỗi giá trị cung ứng, nhiều nhà đầu tư sẽ tự tìm đến với thị trường Việt Nam khi Việt Nam có các chính sách miễn, giảm thuế, phí, nhất là thuế giá trị gia tăng.

Chị Trần Thùy Linh ở Vĩnh Tuy, Hà Nội cho biết trước đây mỗi lần gia đình mua sắm đều chịu thuế giá trị gia tăng là 10%, nhưng nay với nhiều mặt hàng thiết yếu đã được giảm xuống còn 8%.

“Nếu mua những đồ có giá trị lớn đó cũng là một khoản tiền không nhỏ, nên tôi cảm thấy rất phấn khởi đã tiết kiệm được một khoản đáng kể cho gia đình,” chị Linh chia sẻ.

Doanh nghiep va nguoi dan cung co loi khi giam thue gia tri gia tang hinh anh 2 (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tuy nhiên, việc giảm thuế giá trị gia tăng vẫn còn một số hạn chế khi còn nhiều người dân, doanh nghiệp chưa nắm được quy định này. Trong khi người dân mong mỏi được giảm thuế, một số doanh nghiệp cho rằng không phải họ không muốn làm mà vì không thể nắm rõ mặt hàng nào thuộc danh mục được giảm thuế, mặt hàng nào không. Hoặc, gặp khó trong khâu tra cứu, đối chiếu mã hàng hóa, dịch vụ để áp thuế giá trị gia tăng 8%.

Do đó, theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Hiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến tất cả doanh nghiệp và người dân hiểu được chính sách và vận dụng đúng. Đặc biệt, mở kênh thông tin hay đường dây nóng để người dân, doanh nghiệp vướng mắc chỗ nào cần hướng dẫn, giải đáp là cơ quan thuế có thể hỗ trợ được ngay.

Ông Nguyễn Tiến Trường, Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết ngay sau khi chính sách giảm thuế giá trị gia tăng được Quốc hội ban hành, Cục Thuế đã đăng tải nội dung Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên Cổng thông tin điện tử và trên các trang mạng xã hội chính thức của Cục như Facebook, Zalo. Ngoài ra, bộ phận tuyên truyền hỗ trợ cũng đã có hướng dẫn cụ thể trên các kênh của Cục để doanh nghiệp, người nộp thuế nắm được chính sách giảm thuế.

Bên cạnh đó, Cục đã hướng dẫn về việc lập hóa đơn theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Cụ thể, đối với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, khi lập hóa đơn giá trị gia tăng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại dòng thuế suất thuế giá trị gia tăng ghi “8%”; tiền thuế giá trị gia tăng; tổng số tiền người mua phải thanh toán. Căn cứ hóa đơn giá trị gia tăng, cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế giá trị gia tăng đầu ra, cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng...

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách, Tổng cục Thuế cho hay mục đích lớn nhất của Nghị định 15/2022/NĐ-CP là giảm thuế giá trị gia tăng để giảm giá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng. Vì vậy, nghị định quy định các bộ và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để người tiêu dùng hiểu và được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế giá trị gia tăng; tập trung các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng nhằm giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, Nghị định, trên tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, người dân, cơ quan thuế các cấp sẽ kiểm tra, giám sát về giá bán hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn.

Trường hợp phát hiện các hiện tượng lợi dụng chính sách của Nhà nước để tăng giá bán của các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị, cơ quan thuế sẽ tham mưu các biện pháp xử lý với cơ quan có thẩm quyền.

 

Theo Thùy Dương
vietnamplus.vn