Nang cao hieu qua hoat dong cac co quan cua Quoc hoi hinh anh 1Phó Tổng Thư ký Văn phòng Hạ viện Nhật Bản Tsukiyama Nobuhiko. (Nguồn: quochoi)

Hội thảo trao đổi kinh nghiệm nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ quan của Quốc hội do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức theo hình thức trực tuyến diễn ra ngày 26/8.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Thư ký Văn phòng Hạ viện Nhật Bản Tsukiyama Nobuhiko cho biết thời gian qua, đã có nhiều hoạt động như tập huấn, cử chuyên gia Nhật Bản tham dự hội thảo tổ chức tại Việt Nam.

Thông qua những hoạt động này, Hạ viện Nhật Bản mong muốn giới thiệu những kinh nghiệm của Quốc hội Nhật Bản, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội Việt Nam, đồng thời thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.

Phó Tổng Thư ký Văn phòng Hạ viện Nhật Bản Tsukiyama Nobuhiko nhấn mạnh, trong khuôn khổ Hội thảo, Nhật Bản chia sẻ thông tin về tổng quan hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội Nhật Bản; vai trò của Cục Khảo sát, Văn phòng Hạ viện; so sánh hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội Nhật Bản và Việt Nam…

Từ điểm cầu Nhà Quốc hội, phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết Hội thảo diễn ra rất kịp thời, có ý nghĩa trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam bước vào nhiệm kỳ Quốc hội mới.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam cũng đã có nhiều chỉ đạo mạnh mẽ trong việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan của Quốc hội nói riêng và hoạt động của Quốc hội nói chung. Phó Tổng Thư ký Quốc hội tin tưởng thông qua Hội thảo, nhiều kinh nghiệm được chia sẻ từ phía Nhật Bản sẽ là thông tin quý báu góp phần phục vụ việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Mita Daijyu, Trợ lý Trưởng phòng, Phòng điều hành, Vụ Ủy viên, Văn phòng Hạ viện Nhật Bản cho biết Quốc hội Nhật Bản bao gồm hai nghị viện và các cơ quan liên quan. Chủ tịch hai Nghị viện được bầu ra từ đảng cầm quyền, các Phó Chủ tịch được bầu ra từ đảng đối lập lớn nhất.

Ông đã phân tích cụ thể về cơ cấu tổ chức của Quốc hội Nhật Bản, các Ủy ban thường trực của Hạ nghị viện, các Ủy ban đặc biệt của Hạ nghị viện; giới thiệu về quy trình lập pháp, quy trình xây dựng dự thảo trình bởi Nội các; những hình thức thẩm tra đặc biệt của Quốc hội Nhật Bản.

Ông Mita Daijyu nêu rõ vai trò của Văn phòng (Vụ Ủy viên) đối với hoạt động của các Ủy ban. Trong đó, cơ cấu tổ chức của Vụ Ủy viên là bộ phận thực hiện các công việc liên quan đến vận hành các Ủy ban, bao gồm 10 Phòng, khoảng 140 nhân viên. Mỗi Ủy ban được bố trí từ 4-6 nhân viên. Vai trò của Vụ Ủy viên thực hiện các công việc liên quan đến tất cả các hoạt động vận hành các Ủy ban dưới sự chỉ đạo của Chủ nhiệm Ủy ban; hỗ trợ Chủ nhiệm Ủy ban để làm sao hoạt động của Ủy ban diễn ra mà không mắc bất cứ sai sót nào…

Cho biết về vai trò của Cục Khảo sát, Văn phòng Hạ viện, ông Seike Koji, Trợ lý Trưởng phòng, Phòng Khảo sát, Vụ Ủy viên, Văn phòng Hạ viện Nhật Bản nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Cục Khảo sát là nghiên cứu theo yêu cầu của nghị sỹ. Thông qua đó hỗ trợ hoạt động của nghị sỹ Quốc hội từ phương diện nghiên cứu, Cục xử lý các yêu cầu khảo sát nghiên cứu đa dạng của nghị sỹ.

Ngoài ra, Cục Khảo sát còn thực hiện các nhiệm vụ như khảo sát nghiên cứu theo yêu cầu của các Ủy ban; khảo sát sơ bộ; biên soạn các ấn phẩm của Cục Khảo sát; các công việc liên quan đến điều phối tổng hợp.

Nang cao hieu qua hoat dong cac co quan cua Quoc hoi hinh anh 2Quang cảnh Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

So sánh hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội Nhật Bản và Việt Nam, ông Futami Akira, Trợ lý trưởng phòng, Vụ Ủy viên, Văn phòng Hạ viện Nhật Bản cho biết Quốc hội Nhật bản theo “Nguyên tắc lấy hoạt động của các Ủy ban làm trọng tâm,” các Ủy ban đang đóng vai trò rất lớn trong việc xem xét, thảo luận dự thảo, giám sát Chính phủ.

Ông Futami Akira đã đưa ra những so sánh cụ thể, tập trung vào vận dụng trên thực tế và tổng hợp khái quát thành bảng biểu một cách dễ hiểu. Ông Futami Akira hy vọng những chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế hoạt động của Quốc hội Nhật Bản sẽ có giá trị tham khảo trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam đang thực hiện cải cách nhằm tăng số lượng luật được ban hành (nâng cao hiệu quả xem xét thảo luận dự thảo luật) và tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội.

Trao đổi tại Hội thảo, đại biểu Quốc hội Việt Nam đã đặt nhiều câu hỏi cho phía Nhật Bản đề nghị làm rõ về: quy trình lập pháp; vai trò của Tổng Thư ký Quốc hội trong hoạt động của Hạ viện Nhật Bản, đặc biệt là vai trò của Tổng Thư ký đối với bộ phận Văn phòng trong quá trình tham mưu giúp việc cho Hạ viện; mối quan hệ giữa phòng Điều tra khảo sát trong Vụ Ủy viên và Cục Khảo sát trong quá trình phục vụ cho Hạ viện; trong trường hợp Ủy ban khi thẩm tra không thông qua, Nội các có quyền trình ra phiên toàn thể...

Qua thảo luận, nhiều nội dung về hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội hai nước đã được làm rõ. Những vấn đề về quy trình thẩm tra dự án luật; vai trò quan trọng của Tổng Thư ký Quốc hội trong công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội; những tình huống cụ thể phát sinh trong hoạt động của Ủy ban... đã được phân tích dưới nhiều góc độ lý luận và thực tiễn.

Kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang khẳng định mặc dù trong khoảng thời gian ngắn nhưng Hội thảo đã diễn ra nghiêm túc, sôi nổi với hiệu quả cao. Tại Hội thảo, nhiều kinh nghiệm quý báu đã được các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ; nhiều nội dung về hoạt động của các cơ quan Quốc hội đã được phân tích làm rõ. Đây sẽ là những thông tin quan trọng góp phần vào việc đổi mới hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội Việt Nam trong thời gian tới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang bày tỏ tin tưởng thời gian tới, mối quan hệ hợp tác giữa Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Hạ viện Nhật Bản sẽ tiếp tục được tăng cường.

 

Theo Hạnh Quỳnh
vietnamplus.vn