Chỉ một ngày sau khi Chương trình lao động nông nghiệp Australia được ký kết, trên mạng xã hội đã bắt đầu có thông tin tuyển lao động, trong khi chương trình ký kết mới chỉ là khung chung chưa hề có các điều kiện cụ thể. Những hoạt động tuyển dụng này đã khiến Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phải phát đi thông tin cảnh báo, ngăn chặn lừa đảo đối với Chương trình lao động nông nghiệp Australia.

Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết Chương trình lao động nông nghiệp Australia được ký kết chỉ là bước khởi đầu cho sự hợp tác giữa hai bên trong việc gửi và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Australia. Để thực hiện bản ghi nhớ, hai bên vẫn đang trong quá trình trao đổi, đàm phán để thống nhất quy trình, các nội dung triển khai cụ thể.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, thời gian gần đây, tại một số địa phương đã xuất hiện các cá nhân, tổ chức tuyên truyền, mời chào công dân Việt Nam đi làm việc theo chương trình visa nông nghiệp tại Australia với mức chi phí rất cao. Điều này không phù hợp với nội dung thỏa thuận trong Bản ghi nhớ về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp Australia được ký kết vào ngày 28/3/2022 giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia.

Nhằm ngăn ngừa tình trạng cá nhân, tổ chức lợi dụng thông tin về chương trình để lừa đảo, thu tiền của người lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành công văn đề nghị các sở lao động-thương binh và xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp tuyên truyền, thông tin tới người dân tại địa phương về việc không đăng ký theo bất kỳ cá nhân, tổ chức nào (bao gồm cả các cá nhân, tổ chức tự nhận là đại diện chủ sử dụng tại Australia) để tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Australia.

Theo ông Tống Hải Nam, Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam sẽ thông tin rộng rãi về nội dung chi tiết Chương trình lao động nông nghiệp Australia ngay sau khi hai bên hoàn tất nội dung trao đổi.

Dự kiến, theo Chương trình lao động nông nghiệp Australia, Australia sẽ tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp với số lượng khoảng 1.000 lao động/năm; mức lương cơ bản (chưa trừ chi phí sinh hoạt) từ 3.200 AUD-4.000 AUD/tháng (tương đương khoảng 52,8-66 triệu đồng /tháng). Đây là mức thu nhập được đánh giá cao so với các thị trường tiếp nhận lao động khác.

Ngan chan viec lua dao ve Chuong trinh lao dong nong nghiep Australia hinh anh 2Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung ký kết Bản ghi nhớ
Chương trình lao động nông nghiệp Australia ngày 28/3. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Việt Nam là một trong 4 nước được Chính phủ Australia ưu tiên tham gia sớm Chương trình thị thực cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp cùng với Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Chương trình thị thực nông nghiệp được thực hiện nhằm góp phần bù đắp thiếu hụt lao động trong ngành nông nghiệp, mang lại lợi ích kinh tế cho Australia đồng thời tạo cơ hội cho lao động nước ngoài; trong đó có lao động Việt Nam tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, thu nhập trong thời gian làm việc tại Australia và gửi thu nhập về nước. Những người sử dụng lao động Australia cũng sẽ được lợi từ việc có thể tiếp cận nguồn lao động đáng tin cậy.

Việc lựa chọn Việt Nam là một trong bốn quốc gia đầu tiên tham gia Chương trình thị thực nông nghiệp cho thấy Australia đánh giá cao quan hệ hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực hợp tác lao động. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với lao động Việt Nam, mở ra cơ hội đi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực mà lao động Việt Nam có thế mạnh tại quốc gia phát triển và có nền nông nghiệp hiện đại như Australia.

Từ năm 2017,  Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp triển khai hiệu quả Thỏa thuận Chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ giữa Việt Nam và Australia. Sự tham gia tích cực của hơn 1.000 công dân Việt Nam vào Chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ là tiền đề quan trọng cho việc hợp tác thực hiện Chương trình lao động nông nghiệp đã được ký kết.
 
 
 
Theo Hồng Kiều
vietnamplus.vn