Hiện nay, thời tiết diễn biến thất thường là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh bùng phát mạnh trong cộng đồng dân cư, nhất là các bệnh về tiêu hóa, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ. Để chủ động ứng phó với dịch bệnh, ngành Y tế huyện Minh Hóa đã chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc men, hóa chất và các phương tiện, thiết bị y tế sẵn sàng cung ứng cho người dân khi cần thiết.
Tại xã Tân Hóa, người dân đã ra quân triển khai vệ sinh đường làng ngõ xóm, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, kiểm tra, sửa chữa các nhà nổi. Cán bộ y tế đã và đang tích cực tuyên truyền hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, xử lý nước sạch và đảm bảo ăn chín uống sôi.
Để chủ động trong công tác phòng, chống lụt bão lụt, ngay từ đầu năm, ngành Y tế huyện Minh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương tích cực triển khai các kế hoạch. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ gia đình về ý thức bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cho bản thân, gia đình trong thời điểm xảy ra mưa lũ. Đồng thời, giám sát dịch bệnh, nhất là các ổ dịch cũ, nhằm phát hiện sớm để xử lý kịp thời. Đến thời điểm này, các đơn vị y tế trên địa bàn huyện Minh Hoá đã chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, thuốc, hoá chất và các phương tiện phòng, chống dịch.
 |
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân cách bảo vệ nguồn nước khi mưa lũ xảy ra. |
Bác sỹ Trần Hữu Phú, Trưởng Trạm Y tế xã Tân Hóa cho biết: "Để chuẩn bị tốt cho mùa bão lụt, Trạm Y tế xã đã tuyên truyền đến người dân về việc chuẩn bị nước, gạo, lương thực thực phẩm, tủ thuốc gia đình để dự trữ khi bị ngập lụt trong vòng khoảng từ 10 – 15 ngày; thực hiện vệ sinh môi trường, ăn chín uống sôi để không xảy ra dịch bệnh; sử dụng tủ thuốc gia đình khi bị sốt, tiêu chảy..."
Ông Ngô Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết thêm: "Hằng năm, người dân nơi đây phải gồng mình hứng chịu ít nhất từ hai đến ba trận lụt bão. Sau lụt bão sẽ dẫn đến nhiều vấn đề như: Thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khoẻ nhân dân. Nhằm tránh thiệt hại đến mức thấp nhất, chúng tôi đã chủ động triển khai nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống lụt bão, như thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt là hậu cần tại chổ; chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh từ sớm; hỗ trợ kinh phí để Trạm Y tế xã có đủ cơ số thuốc như các loại thuốc kháng sinh, sốt rét, đau đầu..."
Thời điểm trong và sau khi thiên tai, lụt bão xảy ra thường dễ phát sinh các loại dịch bệnh như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, tả, lỵ… Vì vậy, các đơn vị y tế trên địa bàn huyện Minh Hoá đã phối hợp với chính quyền địa phương chủ động kiểm tra việc cung cấp nguồn nước sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài việc triển khai quyết liệt các phương án phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế, người dân cũng cần nâng cao ý thức, kiến thức, kỹ năng bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng, nhất là các biện pháp làm sạch nguồn nước, vệ sinh môi trường nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh trước, trong và sau mùa mưa lũ.