Đài phát thanh truyền hình Quảng Bình
Thứ Sáu 19/04/2024

Ký sự - Phóng sự >> Phóng sự

Nghề thêu tay truyền thống – Tinh hoa trong dĩ vãng
Cập nhật lúc 07:53 22/06/2021

Nghề thêu tay truyền thống đã tồn tại ở nước ta hàng nghìn thế kỷ, tạo nên bản sắc riêng của Việt Nam. Trước những biến thiên của thời gian, biến động của xã hội, nghề thêu tay nay đã thiếu bóng các nghệ nhân làm nghề và lớp trẻ học nghề; sản phẩm vẫn còn nhưng giá trị không được như trước.

Trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân Thái Đức Duy mang ra hai bộ tranh thêu "Vạn Sự Như Ý". Một bộ ông dành ra 3 tháng để thêu, có giá hàng chục triệu đồng; bộ còn lại ông mua ở cửa hàng tranh thêu trong một dịp đi chơi, có giá vài triệu đồng.

Tranh thêu máy.

Nhìn thoáng qua cũng đủ để cho người ngoài nghề nhận ra sự khác biệt: Màu sắc không được tự nhiên, hài hòa, bắt mắt; đường nét cũng không được mềm mại, uyển chuyển như tranh thêu truyền thống. Bức tranh thêu tay đòi hỏi nghệ nhân phải có kỹ thuật thêu phức tạp, am hiểu chuyên sâu về nghệ thuật thêu thùa, tốn nhiều thời gian và công sức để thực hiện nên nhìn rất có hồn, chân thực và sinh động hơn tranh thêu bằng máy.

Tranh thêu tay.

"Thực ra không nên nói là tranh thêu giả hay tranh thêu thật, mà là họ làm rối, không có tâm, chạy theo lợi nhuận, không có kỹ thuật và không hiểu biết về thêu". Ông Duy nói bức tranh mua ở cửa hàng "hoàn toàn không đạt yêu cầu". Nhưng nó được yêu thích hơn, trong khi tranh của ông là cả tâm huyết, sự yêu nghề, tận tâm với nghề, tỉ mỉ chọn từng sợi chỉ thì lại không được nhiều người đón nhận.

Đằng sau hai bộ "Vạn Sự Như Ý" là số phận trái ngược của chúng, là câu chuyện của một ngôi làng huyền thoại.

 “Gia đình nào có nghề thêu là tự hào và hãnh diện lắm”

Ông Duy vào nghề từ năm 9 tuổi cùng với thời nghề thêu ở Việt Nam đang trên đà phát triển. Cứ đi học về là ông lại ngồi thêu với tất cả niềm vui sướng và hạnh phúc. “Khi đó gia đình nào có nghề thêu là tự hào và hãnh diện lắm. Đến trường còn có cả cuộc thi về thêu”, ông Duy kể lại.

Mười bốn tuổi – độ tuổi đang cắp sách tới trường, thì ông Duy ngoài thành tích xuất sắc ở trường, ông còn thêu được bộ ga trải giường theo 3 chủ đề xuất khẩu sang Liên Xô. “Chủ đề về chim thì có con công, con trĩ. Chủ đề về hoa thì có cô gái đang chèo thuyền trên đầm sen để hái sen. Cuối cùng là chủ đề mùa gặt, có 1 tốp nông dân đi gặt lúa”.

Sau 7 năm đi bộ đội, ông Duy tiếp tục theo nghề, làm giáo viên dạy thêu ở các thị xã, tỉnh, thành phố. Năm 2006, ông dừng việc đi dạy, về quê nhà.

Kỷ niệm khó quên nhất là ông đã thêu được bức tranh chân dung tổng thống Saddam Hussein rộng 1m6, cao 2m2 trong vòng 3 tháng và đã lập được kỷ lục của Việt Nam.

Một tổ thêu của ông khoảng chục thợ giỏi, ông là thợ thêu truyền thần, đảm nhiệm việc thêu tóc, mắt, mũi, râu, môi.

Cũng trong năm đó, ông tiếp tục thêu chân dung Bác Hồ trong 3 tháng. Tranh của ông vinh dự được trưng bày trong Điểm đến du lịch 2000 ở Hoa Lư. Sau đó, ông thêu tiếp chân dung vua Thái Lan để triển lãm ASIAN vào tháng 9/1999.      

Nghệ nhân Thái Đức Duy bên cạnh bức tranh thêu chân dung tổng thống
Saddam Hussein (bên trái) và chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh (bên phải).

Ông nhớ mãi, mái tóc của vua Thái Lan, ông mất 3 ngày chưa thêu xong được. Ông cứ thêu rồi lại tháo hàng chục lần. Đến nửa đêm ngày thứ 4, ông đang nằm thì ý tưởng thêu chợt lóe lên trong đầu, ông lập tức dậy đi photo hình của vua, rồi vót nhọn bút chì bắt đầu thêu. Đến 3 giờ sáng, bức tranh thêu vua Thái được hoàn thành.

Năm 2016, trong một cuộc thi được tổ chức tại Cung văn hóa Hà Nội, ông kể, khi đó tranh thêu ren, sơn mài, gốm sứ, đồ mỹ nghệ được “trộn” với nhau để đánh giá, ông cảm thấy làm vậy giám khảo sẽ không đi sâu vào nghề truyền thống của làng mình được, nên dự thi 1 năm rồi ông không tham gia nữa.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, ông đã nhận không ít Bằng khen của Hội Làng nghề thêu Hà Nội, Hiệp hội Thêu làng nghề Việt Nam… Nghệ nhân Thái Đức Duy cho biết thêm, sắp tới đây, ông sẽ được nhận kỷ niệm chương làng nghề Việt Nam. Tuy nhiên, ông cho rằng, trong căn phòng nhỏ rộng chừng 20m2, treo kín tường là những bức tranh thêu lớn nhỏ với đầy đủ chủ đề mới là phần quà tuyệt vời nhất của ông.

                       “Hỡi cô thắt lưng bao xanh

                      Có về Quất Động với anh thì về

                      Quất Động làng anh có nghề

                      Thêu gà thêu vịt thêu hoa trên cành”

Vào những năm đầu của thập kỷ 90, có một làng nghề lúc bấy giờ vô cùng thịnh vượng – đó là làng nghề thêu tay ở Quất Động. Khi đó, các sản phẩm nơi đây được xuất khẩu liên tục đến các nước ở Đông Âu. Sau này, khi các nước ở Đông Âu có biến động, nhu cầu suy giảm, nghề thêu cũng từ đó mà mai một dần.

Tương truyền rằng, nghề thêu đã xuất hiện từ thời vua Hùng, khi đó ông bà ta đã dùng sợi chỉ, tơ, sợi nhuộm màu để trang trí lên nền vải. Khi đó, những hình thêu thường thấy là những hình ảnh gần gũi, đơn giản như cỏ, cây, chim muông, các loài thú được thêu trên những chiếc khăn, túi, xiêm y... Ngay từ thế kỷ I, phụ nữ đã biết thêu để trang hoàng nhà cửa, quần áo, làm đẹp cho bản thân.

Nhưng để nói về ông tổ nghề thêu tay phải kể đến ông Lê Công Hành, người làng Quất Động. Tương truyền, trong một lần đi sang Trung Quốc, vì thấy ông thông minh nên triều đình nhà Minh đã nhốt ông trên một tòa tháp cao không có thang xuống. Trong thời gian bị nhốt ông đã nghiên cứu về kỹ thuật thêu, làm lọng của người Trung Quốc và tháo bức trướng xuống gỡ chỉ ra, thêu lại như cũ. Nhận thấy ông thông minh nên triều đình nhà Minh đã thả ông về nước. Câu chuyện này cũng đã từng được kể lại trong bộ truyện "Thần đồng đất Việt. Khi trở về nước ông đã đem nghề thêu truyền lại cho người dân trong làng và từ đó nghề thêu tay ngày càng được phổ biến rộng rãi và phát triển, trở thành nghề truyền thống của cả vùng. Sau khi mất, ông Lê Công Hành đã được người dân lập đền thờ và tôn làm ông tổ nghề thêu. Ngày 12/6 âm lịch hàng năm là ngày giỗ của ông Lê Công Hành, người dân làm nghề thêu từ các nơi trên cả nước sẽ trở về Quất Động để dâng hương.

Vào những năm nghề thêu phát triển cực thịnh, sản phẩm của làng được cả nước biết đến rộng rãi, thể hiện trí óc sáng tạo và đôi tay khéo léo tỉ mỉ. Khi ấy, nghề thêu là chủ yếu, chỉ đứng sau nghề nông và cung cấp công ăn việc làm cho người dân toàn xã; thu nhập nghề thêu chiếm đến 50% tổng thu nhập bình quân toàn xã.

Người Quất Động rất yêu nghề thêu, cứ hễ lúc rảnh là sẽ ngồi thêu. Trong mỗi gia đình đều có khung thêu, có gia đình qua bao đời vẫn theo nghề. Ngay từ nhỏ, các bé gái đã được ba mẹ đưa những khung thêu hình tròn xinh xắn, những đoạn chỉ đủ màu bắt mắt, một chút vải vụn để con học thêu. Lớn lên, nhiều người đã trở thành thợ thêu chuyên nghiệp, nghệ nhân tầm cỡ.

Ngoài kinh doanh hộ gia đình, ở Quất Động cũng có hợp tác xã thêu, với nhiều xưởng thợ; xưởng to quy tụ khoảng 200 - 500 tay kim, xưởng nhỏ khoảng 15 - 30 tay kim.

Ngoài nghề thêu, nhiều nhà còn kiêm khâu vá, đính hạt cườm, gắn sừng, ráp túi xách… trên sản phẩm thêu, đều làm theo đơn đặt hàng với mẫu mã có sẵn hoặc tự tác. Cứ hai ngày một các đơn vị và du khách lại tìm đến mua và vận chuyển hàng đi các tỉnh.

Ngoài lập nghiệp ở xã, thợ Quất Động còn ra các tỉnh, thành lân cận, trong đó có Hà Nội để gây dựng sự nghiệp và từ thế kỷ 18, 19 đã từng lập nên nghề thêu ở kinh thành Thăng Long.

Tranh thêu tay ở nước ta được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao, yêu thích bởi chứa đựng những nét văn hóa, sự khéo léo của những người làm nghề thông qua những đường kim, mũi chỉ. Mẫu tranh thêu tay có thể là mẫu được thiết kế riêng tại xưởng, cũng có thể theo mẫu bất kỳ mà khách hàng yêu cầu hoặc là mẫu tìm kiếm được qua Internet, hay mẫu tranh thêu tay do chính bản thân sáng tạo ra. Sau khi chọn xong mẫu tranh thêu tay, người thợ sẽ ước chừng kích thước hình thêu rồi in ra giấy can trong hoặc giấy nến.

Khi bản vẽ trên giấy đã hoàn thành, công đoạn tiếp theo là chuyển mẫu tranh thêu tay từ giấy lên vải thêu. Việc chuyển mẫu tranh từ giấy lên vải thêu được thực hiện hoàn toàn thủ công và vì vậy công đoạn này đòi hỏi người thực hiện phải có sự khéo léo, tài năng hội họa, kỹ năng chuyên môn tốt cũng như kinh nghiệm lâu năm.

Để có một bức tranh thêu tay đẹp cần đảm bảo công đoạn lựa chọn chỉ thêu phải hết sức chính xác, khéo léo và tinh tế, có vậy tác phẩm tranh thêu tay khi hoàn thành mới thực sự hài hòa, uyển chuyển, sống động và chân thật. Một bức tranh thêu tay đẹp đòi hỏi dùng tới rất nhiều loại chỉ thêu với màu sắc, kích cỡ, chất liệu khác nhau. Từ chỉ màu đậm đến màu nhạt, sợi chỉ lớn đến sợi chỉ nhỏ, từ chỉ thô đến chỉ bóng. Công đoạn này đòi hỏi những nghệ nhân thêu tranh tay phải rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm không ngừng.

Chọn chỉ là một công đoạn không kém phần quan trọng để tạo nên một bức tranh thêu đẹp.

Vải thêu sau khi vẽ mẫu sẽ được căng lên khung, sửa lại các nét không rõ và bắt đầu thêu tranh tay. Người nghệ nhân dùng đôi bàn tay khéo léo và tỉ mỉ của mình cùng với các kỹ thuật thêu tranh tay thêu từng đường kim, mũi chỉ từng bước hoàn thiện bức tranh thêu tay. Có nhiều kỹ thuật thêu tranh tay từ đơn giản đến phức tạp, song 7 kỹ thuật sau được coi là cơ bản nhất, đó là: Thêu nối đầu, thêu giăng chặn, thêu lướt vặt, thêu bó hạt, thêu trùm, thêu đột và thêu khoán vảy.  Kỹ thuật công phu nhất là thêu các đường lượn, đường viền, các khối hình, thêu nổi vân lá, đài hoa sao cho các đường chỉ đan vào nhau mềm mại, dịu dàng. Để đạt được các kỹ thuật ấy một cách hoàn hảo nhất, người thợ thêu phải được học ngay từ khi còn bé.

Thời gian hoàn thiện một bức tranh thêu tay phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước tiên là tay nghề của nghệ nhân thêu tranh tay, ngoài ra còn phụ thuộc vào kích thước của tranh, độ phức tạp của mẫu tranh và kỹ thuật thêu tay, mật độ dày thưa của chỉ thêu.

Sau khi đã thực hiện xong 4 bước trên, công đoạn cuối cùng phải thực hiện khi thêu tranh tay đó là kiểm tra và hoàn thiện. Ở bước cuối cùng này, tranh thêu tay sẽ được kiểm tra cẩn thận, cắt bỏ chỉ thừa, tìm và sửa lỗi, sau đó được tháo ra khỏi khung thêu, rồi được vệ sinh sạch sẽ, cuối cùng tiến hành đóng khung tranh hoàn thiện.

Các nghệ nhân thêu làng Quất Động đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm đa dạng, từ các nhóm hàng truyền thống như: Câu đối, nghi môn, lọng, cờ, trướng, khăn trải bàn, các loại trang phục sân khấu cổ truyền đến những bức tranh thêu phong cảnh, chân dung sáng tạo như: Nhà sàn Bác Hồ, chùa Một Cột, chân dung Lê Nin… Đối với các bức tranh chân dung, ngoài yếu tố kỹ thuật, các nghệ nhân còn phải có tâm hồn nghệ sỹ, có hiểu biết về nghệ thuật hội họa và nhiếp ảnh để diễn tả thần thái của người trong bức tranh. Thời kỳ ấy, nghề thêu truyền thống ở nước ta rất hưng thịnh, nhiều người muốn theo học nghề thêu, thậm chí còn có những cuộc thi dành cho nghề thêu tay.

Để nghề thêu tay không bị mất đi, nghệ nhân Thái Đức Duy không chỉ thêu những bức tranh bình thường mà ông vừa thêu tranh truyền thống vừa thêu tranh 3D để đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.

Nếu trong bức tranh thêu bình thường, các chi tiết của tranh bám sát mặt vải thì với loại tranh thêu 3D phải làm sao cho các chi tiết nổi lên khỏi mặt vải.

Bên cạnh việc tạo hình khối, còn phải chú ý kỹ thuật phối màu chỉ thêu để cho tranh sống động như thật. Nói thì đơn giản vậy nhưng phải mất mấy tuần ông mới làm chủ được kỹ thuật thêu tranh này. Việc thêu tranh 3D rất tỉ mỉ với thời gian kéo dài gấp 3 lần thêu tranh bình thường; phải qua nhiều lần thêu với kỹ thuật tinh xảo để các chi tiết tranh thật sắc sảo, có hình khối và độ tương phản sáng tối. Cách lên khung cho tranh cũng có sự khác biệt: Khung tranh 3D cao hơn tranh thông thường từ 5 - 7cm để có khoảng không gian thích hợp cho những phần nổi của tranh.

 “Nghề này mất đi thì tiếc lắm”

Trước đây nghề thêu nổi tiếng là thế, là một nghề mà mọi người đều muốn theo học, nhưng hiện nay, tranh thêu truyền thống không được mọi người quan tâm nhiều như trước nữa. Nghề thêu truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một, hoặc vẫn còn nhưng bị suy thoái, mất dần đi những nét truyền thống, mất đi cái hồn vốn có từ ngàn xưa do chạy theo nền kinh tế thị trường. Ngay cả làng thêu Nguyên Bì vốn rất nổi tiếng trong quá khứ, giờ chỉ còn một vài người.

Hàng chục năm gần đây, làng thêu Quất Động đã mất đi sự sôi động và náo nhiệt vốn có của nó. Điều dễ nhận thấy nhất là người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống của làng nữa. Hình ảnh các bà, các cô chợ Vồi cắm cúi bên những bức tranh chữ thập như một sự đối lập đáng buồn ở ngay đất thêu này. Dọc con đường làng chỉ còn lác đác vài gia đình theo nghề thêu và duy nhất một hộ gia đình còn nhuộm chỉ. Cùng với sự thăng trầm của lịch sử, giờ đây làng nghề thêu tay Quất Động đang đứng trước nguy cơ bị thất truyền. Đa số giới trẻ đang quay lưng lại với nghề, người theo nghề chỉ còn lại những người đã có tuổi với số lượng ít ỏi.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do mức thu nhập của nghề thêu quá thấp so với nhu cầu sinh hoạt cơ bản của người dân. Bên cạnh đó, các cụm công nghiệp lại thường xuyên tuyển lao động mà làm việc ở những khu công nghiệp lương cao và ổn định hơn.

Chủ cửa hàng Thu Diệu nằm ngay Quốc lộ 1 cho hay, chị có hẳn một đội ngũ các thợ thêu – vốn là các thợ thêu chính gốc Quất Động – để chuyên thêu chữ thập bán cho khách. Cửa hàng cũng trưng bày sản phẩm tranh chữ thập là chủ yếu, tranh thêu truyền thống rất ít, hoặc phải chờ vài hôm mới có hàng. Bốn bức tứ quý mai, lan, cúc, trúc thêu theo lối truyền thống, đóng khung gỗ đẹp ở đây có giá 1,6 – 1,8 triệu đồng. Trớ trêu là bốn bức tứ quý kích thước tương đương, khung gỗ tương đương, là thêu chữ thập, treo ngay cạnh đó, không thêu nền, giá tới 4 triệu đồng. Chị Diệu nói tranh chữ thập nhiều người mua hơn, giá bán đắt hơn, dù thêu rất dễ: “Thêu truyền thống là phải thợ cứng, chứ thêu chữ thập này ai chả thêu được”.

Cửa hàng Tùng Anh, cách đó vài trăm mét, lúc nào cũng tấp nập khách hỏi mua tranh chữ thập. Cửa hàng treo toàn bức tranh chữ thập khổ lớn – vốn đã vạch ô đánh số, chỉ cần biết cầm cái kim là có thể thành tranh. Ông chủ Tùng Anh bảo tranh chữ thập còn đắt hơn tranh thêu truyền thống. Mà nhu cầu tranh chữ thập ngày càng nhiều, thu nhập cửa hàng giờ chủ yếu từ tranh chữ thập, làm khung tranh.

Giữ nghề thêu còn khó, nói gì mang nghề ra phát triển du lịch. Mang tiếng làng văn hóa du lịch nhưng ở những ngôi làng này hầu như không có hoạt động gì để đón khách. Đền thờ tổ nghề thêu tại Quất Động đã xuống cấp nhiều năm. Tất cả các làng thêu Thường Tín đều không có một khu vực trưng bày giới thiệu sản phẩm nào hiệu quả.

Ông Thái Đức Duy kể rằng, đã từng cùng nhiều thợ thêu xin một khu đất, người dân tự bỏ tiền ra để làm nhà trưng bày, lưu giữ lịch sử nghề thêu, các kỹ thuật thêu cùng những sản phẩm mới nhất. Nhưng cả chục năm nay, đề nghị này vẫn đang chỉ ở mức “chờ xem xét”.

Thực tế khách du lịch vẫn rất thích sản phẩm thêu, nhưng không còn được nhiều như trước. Những làng thêu ở Thường Tín chấp nhận cảnh mai một dần, bị cạnh tranh với sản phẩm kiểu công nghệ và không hề mang bóng dáng nghệ thuật gì như tranh chữ thập hay tranh thêu máy. Trong khi ấy, những kỹ thuật thêu xưa như thêu chữ nhân, hay những mẫu thêu cổ cũng chẳng mấy ai còn lưu giữ.

Số lượng làng nghề miền Bắc hiện chiếm gần 70% số lượng các làng nghề trong cả nước với hơn 2.000 làng nghề. Thế nhưng trong vòng quay thời hiện đại, có không ít nghề đã biến mất, hoặc đang vật lộn với đời sống hiện đại, dù nhu cầu vẫn luôn có. Rất hiếm nơi nào có thể tận dụng để phát triển du lịch.

Điển hình như làng lụa Vạn Phúc thì thu nhập từ khách du lịch vẫn “chưa ăn thua” so với tiềm năng và nhu cầu. Các làng nghề khác đều không có đường hướng phát triển du lịch cụ thể lẫn cách thức hút khách. Những sản phẩm nghề cuối cùng chỉ làm lợi cho các tay “cò”, còn chính người dân địa phương thì tìm cách bỏ nghề. 

Không phải bản thân người làng nghề muốn bỏ, mà họ “lực bất tòng tâm”.  Nỗ lực của riêng họ, làm sao mà đủ vực dậy cả hệ thống làng nghề đang dần dần bị mai một.

Với mong muốn giữ nghề thêu tay truyền thống, nghệ nhân Thái Đức Duy sẵn sàng hướng dẫn cho những ai muốn học thêu. Ông kể vào mùa hè những năm trước, nhà ông luôn đông người đến mong học được những cách thêu đẹp. “Trong gia đình tôi, từ cháu gái còn học cấp 1 đến người lớn, ai cũng có thể thêu được. Tôi thấy phấn khởi vì mình đã truyền được nghề cho mọi người. Tôi không biết sau này con cháu còn nối tiếp nghề thêu tay này hay không, nhưng ít ra chúng biết được nghề truyền thống của gia đình là tôi vui rồi”.

Nghệ nhân Thái Đức Duy đang ngồi tỉ mỉ thêu.

Tuy nhiên, tương lai làng nghề vẫn là trăn trở lớn nhất của ông Duy. “Cả làng chỉ còn 3 hộ theo nghề thêu tay này. Thanh niên giờ cũng đi làm ở các công ty vì làm thêu này đòi hỏi nhiều yếu tố mà giá tiền mỗi bức lại thấp”.

Bà Nguyễn Thị Bi, một người thợ đã hơn 70 tuổi thở dài chia sẻ: “Tôi tuổi cũng đã cao, mắt và tay cũng dần không xỏ được kim nữa rồi, thi thoảng tôi vẫn mang tranh ra thêu cho đỡ nhớ cái nghề này. Tôi rất lo một ngày nào đó, nếu lớp trẻ không làm nghề này nữa là làng mất nghề. Nghề này mất đi thì tiếc lắm”.

Để nghề không mai một, một số người dân trong làng phải lên Hà Nội làm cho các Công ty may mặc hoặc bán tranh thêu cho bên xuất khẩu. Dù vậy, trong thâm tâm, người dân Quất Động vẫn muốn giữ lại nghề cổ truyền. Có điều họ còn những băn khoăn: nghề thêu có bảo đảm cuộc sống ấm no cho họ khi chưa có vốn đầu tư và tìm được đầu ra cho sản phẩm của làng nghề.


Lê Hoàng Thanh Hằng – Nông Uyển Nhi

qc


VIDEO NỔI BẬT

Xem thêm

Trailer Cuộc thi Tiếng hát Quảng Bình lần thứ nhất năm 2024

GIỚI THIỆU PHIM

Previous
  • Giới thiệu phim

  • Truy hồi công lý

Next

LỊCH TRUYỀN HÌNH  

Chương trình truyền hình 19/04/2024

6h05 Quảng Bình ngày mới
6h20 Khám phá Quảng Bình: Cơm gà Lạc Sơn
6h30 Phim tài liệu: Bàu Tró - Những ẩn tích thời gian
6h45 Dọc miền đất nước: Hương xưa Văn Xá
8h00 Câu chuyện âm nhạc
8h15 Sách hay thay đổi cuộc đời
8h30 Phim tài liệu: Ánh sáng
9h15 Vì chủ quyền an ninh biên giới
9h30 Phóng sự: Tân Hóa - Làng du lịch bình yên
9h40 Sức khỏe là vàng
10h20 Sách hay thay đổi cuộc đời
10h30 Dọc miền đất nước: Hương xưa Văn Xá
10h40 Màu thời gian: Hành khúc ngày và đêm
11h00 Ký sự: Làng biển cổ giữa lòng thành phố
11h15 Quốc phòng toàn dân
11h30 Thời sự
12h00 Phim truyện: Truy hồi công lý - Tập 32
12h45 Phim tài liệu: Ánh sáng
13h30 Vì chủ quyền an ninh biên giới
13h45 Câu chuyện âm nhạc
14h00 Quốc phòng toàn dân
14h15 Sách hay thay đổi cuộc đời
14h30 Công thương Quảng Bình
14h45 Dọc miền đất nước: Hương xưa Văn Xá
15h00 Ca nhạc: Giai điệu Hà Nội
16h00 Sức khỏe là vàng
16h15 Thái Bình trầm tích thời gian: Chuyện kể những ngôi đình cổ ở Hồng Minh
16h45 Thái Bình trầm tích thời gian
17h00 Thời sự
17h10 Khám phá Quảng Bình: Cơm gà Lạc Sơn
17h20 Nét đẹp cuộc sống: Nghề đan mây tre lá
17h30 Phim truyện: Truy hồi công lý - Tập 32
18h15 Vì chủ quyền an ninh biên giới
18h30 Công thương Quảng Bình
18h40 Bản tin Kinh tế - Tài chính
19h00 Tiếp Thời sự VTV
19h45 Thời sự
20h15 Điện và đời sống
20h30 Pháp luật và đời sống
20h45 Phim truyện: Lãng mạn trong tay em - Tập 8
21h30 Khám phá Quảng Bình: Cơm gà Lạc Sơn
21h35 Bản tin Kinh tế - Tài chính
21h50 Chương trình truyền hình: Đồng bào Rục và niềm vui của cuộc sống mới
22h05 Màu thời gian: Hành khúc ngày và đêm

VIDEO CLIP

Previous
  • Trailer Cuộc thi Tiếng hát Quảng Bình lần thứ nhất năm 2024

  • Trailer Sức khỏe là vàng - số 9

  • Trailer Lễ khai mạc Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI năm 2024

  • Trailer Sức khỏe là vàng - số 8

  • Trailer Lấy ý kiến bình chọn biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Bình - đợt 2

  • Trailer giới thiệu các sự kiện kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

  • Trailer: Hào khí Quảng Bình 420 năm (1604 - 2024)

  • Nhộn nhịp nghề làm hương những ngày cận Tết

  • QUẢNG BÌNH - ẤN TƯỢNG NĂM 2023

  • Trailer Đại nhạc hội âm nhạc EDM và chương trình Countdown

  • Trailer Sức khỏe là vàng - số 5

  • Trailer Sức khỏe là vàng - số 4

  • Đặc sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình

  • Bình chọn biểu trưng tỉnh Quảng Bình

  • Trailer Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu Luật Biên phòng Việt Nam"

  • Đại Giang mạn ký

  • Trailer Giờ Trái đất năm 2024

  • Trailer Chương trình Qua miền Di sản năm 2024

  • Trailer Sức khỏe là vàng: Chẩn đoán hình ảnh - Hỗ trợ chẩn đoán chính xác các bệnh lý

  • Trailer Chương trình Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên

Next


Ngoại tệ
Tỷ giá ngoại tệ ngày : 4/19/2024 11:00:56 PM
MuaCKBán
AUD 15,781.47 15,940.8716,452.24
CAD 17,962.12 18,143.5618,725.59
CHF 27,431.25 27,708.3428,597.19
CNY 3,438.94 3,473.673,585.64
DKK - 3,552.423,688.45
EUR 26,307.40 26,573.1327,749.81
GBP 30,708.07 31,018.2532,013.29
HKD 3,165.97 3,197.953,300.53
INR - 302.93315.05
JPY 160.50 162.12169.87
KRW 15.82 17.5819.18
KWD - 82,281.9085,571.24
MYR - 5,255.575,370.18
NOK - 2,249.332,344.82
RUB - 257.39284.93
SAR - 6,760.497,030.75
SEK - 2,259.942,355.88
SGD 18,152.89 18,336.2518,924.46
THB 609.62 677.36703.30
USD 25,133.00 25,163.0025,473.00
Giá vàng
Tỷ giá Vàng SJC: 06:27:50 PM 19/04/2024
LoạiMuaBán
Vàng SJC 1L - 10L - 1KG 81.800 83.800
Vàng nhẫn SJC 99,99 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ 74.800 76.700
Vàng nhẫn SJC 99,99 0,5 chỉ 74.800 76.800
Vàng nữ trang 99,99% 74.700 76.000
Vàng nữ trang 99% 73.248 75.248
Vàng nữ trang 75% 54.656 57.156
Vàng nữ trang 58,3% 41.962 44.462
Vàng nữ trang 41,7% 29.345 31.845
qc qc