Nhà xuất bản Văn học vừa ra mắt tập bút ký-bình luận mới của nhà báo, nhà văn Sương Nguyệt Minh mang tên “Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 đi qua.”

Những trang viết đầy cảm xúc, tái hiện phần nào những mất mát, đau thương giữa đại dịch COVID-19 đồng thời cũng làm nổi bật tình người trong xã hội.

Cuốn sách được tác giả viết trong gần hai năm, ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì sự lây lan của virus corona.

Dù dịch bệnh chưa đến hồi kết nhưng tác giả nhận thấy đã có quá nhiều điều đáng kể, đáng nói, đáng ghi chép lại từ một hiện thực nóng bỏng và khốc liệt, mà nếu không viết thì “bứt rứt không yên” và “chuyện về những người ở tuyến đầu chống dịch, về đồng bào mình bị phong tỏa cách ly, viết bao nhiêu cũng không thừa.”

“Cùng một sự kiện nóng bỏng, mỗi tác giả có cách lựa chọn vấn đề và cách viết khác nhau. Ở cuốn sách này, tôi chọn khắc họa số phận con người mong manh trong đại dịch khốc liệt và cách ứng xử của con người với đại dịch, con người với con người," nhà văn nói thêm.

Với gần 20 năm công tác ở một bệnh viện quân đội cùng với trực cảm của một nhà văn, Sương Nguyệt Minh có cái nhìn sâu sắc về sự kiện chưa từng có trong lịch sử này.

Tập sách kể về những chiến sỹ áo trắng, những nhà báo xông pha tuyến đầu, những người lính ở mọi miền, những nhà hảo tâm và cả những bệnh nhân đã được chữa khỏi cùng chung sức chống dịch. Các bài ghi chép cũng nói lên cảm nhận của nhà văn về tình hình dịch bệnh trên thế giới.

Qua đó, cuốn sách lan tỏa tới bạn đọc nguồn năng lượng tích cực từ những tấm gương vì cộng đồng, những bài học rút ra ngay trong cuộc chiến sinh tử, những mất mát và những con người phi thường, mạnh mẽ trước thử thách cam go.

Nha van Suong Nguyet Minh: Dai dich COVID-19 la thuoc do long nguoi hinh anh 1Sách hiện đã có mặt tại trang thương mại điện tử Tiki và sẽ sớm được bày bán tại các nhà sách. (Ảnh: NVCC)

Nhà văn Sương Nguyệt Minh tâm sự rằng ông thấy kiếp người sao mà nhỏ bé, mong manh. Dịch bệnh đi đến đâu là nơi ấy hiển lộ những mất mát, đau thương, song trên tất cả, ông vẫn thấy tình yêu thương con người ngời sáng.

“Người Việt có câu ‘Qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau’. Quả thật, đại dịch COVID-19 như ‘hàn thử biểu’ đo lòng người,” ông chia sẻ.

Bên cạnh những người giả dối, cơ hội, trục lợi, chủ quan, lơ là, kỳ thị… thậm chí vô cảm với nỗi đau đồng loại, thì số đông là những người chân thực, thiện lương, tử tế, can đảm, tận tụy làm việc tốt trước thiên tai nghiệt ngã…

Bằng một cái nhìn khách quan, sắc sảo, ông nêu lên những câu chuyện, hiện tượng và đưa ra nhận định của mình: “Không chết vì virus Vũ Hán mà chết vì virus kỳ thị,” “Một người trốn khai báo, cả nước giật mình lao đao,” “Lời nói dối đi nửa vòng Trái đất,” “Giống người thượng đẳng trong đại dịch,” “Yêu nhau thời COVID-19”...

Nhà văn, nhà báo Sương Nguyệt Minh sinh năm 1958 tại Ninh Bình. Ông đã giành nhiều giải thưởng văn học như Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010, Giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 2003-2004, Giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996, giải thưởng Văn học Nghệ thuật Bộ Quốc phòng 5 năm 1999-2004…

Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: “Đêm Thánh vô cùng,” “Người về bến sông Châu,” “Lửa cháy trong rừng hoang,” “Mây bay cuối đường,” “Đi qua đồng chiều,” “Mười ba bến nước,” “Miền hoang”…

 

Theo Minh Thu
vietnamplus.vn