Chuyển đổi số đang trở thành giải pháp tất yếu tạo nên bước đà phát triển cho xã hội, đặc biệt là khi ngày càng nhiều các chính sách Quốc gia được ban hành nhằm phát triển khoa học - công nghệ và chủ động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như Chương trình chuyển đổi số Quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, định hướng năm 2030. Để hoà nhập với xu hướng mới, nước ta đã và đang biến đổi phức hợp từ truyền thống sang một trạng thái mới, đó là xã hội số. Cùng với Chính phủ số và kinh tế số, xã hội số là một trong 3 trụ cột của Chương trình chuyển đổi số Quốc gia. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tháng 8/2024, xã hội số đã đạt nhiều kết quả tích cực.
|
Xã hội số là một trong 3 trụ cột của Chương trình chuyển đổi số Quốc gia.
(Ảnh: Nguồn internet)
|
Cụ thể, về phát triển công dân số, theo thống kê của Bộ Công an, đến tháng 8/2024 đã cấp trên 87,7 triệu thẻ căn cước công dân chip; kích hoạt 57,1 triệu tài khoản định danh (tăng 0,7 triệu tài khoản so với tháng 7/2024). Bộ Công an đã triển khai bổ sung các tiện ích mới trên VneID, như sử dụng căn cước điện tử, lý lịch tư pháp, xác thực sinh trắc học và chia sẻ thông tin trên VneI, sử dụng bằng lái xe trên VneID, đăng ký tạm trú trên VneID.
Đến nay, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố thành lập các Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với 93.524 Tổ CNSCĐ và gần 457.820 thành viên, trong đó 63/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã. Mỗi Tổ CNSCĐ có khoảng 4 đến 9 thành viên, trong đó Tổ trưởng các tổ dân phố, Công an khu vực, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên và doanh nghiệp công nghệ số là lực lượng nòng cốt. Thông qua hoạt động sôi nổi, tích cực, chủ động, rộng khắp của Tổ CNSCĐ, đến nay, kỹ năng số của người dân ngày càng được nâng cao, người dân biết thao tác, sử dụng thiết bị thông minh (như điện thoại, máy tính) để thực hiện 5 nhóm kỹ năng số cơ bản (gồm: kỹ năng thực hiện dịch vụ công trực tuyến; kỹ năng giao dịch qua sàn thương mại điện tử; kỹ năng thanh toán trực tuyến; kỹ năng bảo vệ an toàn thông tin trên môi trường mạng; kỹ năng sử dụng các ứng dụng, nền tảng số đặc thù của địa phương).
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Nền tảng học trực tuyến mở đại trà tại địa chỉ https://onetouch.mic.gov.vn (Nền tảng OneTouch) để phổ cập kỹ năng số cho mọi đối tượng. Từ ngày 1/1/2023 - 15/8/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức 10 khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số miễn phí trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCS) cho hơn 81.500 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Hỗ trợ 15 bộ, ngành và 49 địa phương sử dụng miễn phí Nền tảng MOOCS đến hết năm 2024. Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 84 khóa học cho hơn 173.500 cán bộ học viên. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tổ chức 2 khóa học mở miễn phí cho người dân Việt Nam về kỹ năng số cơ bản và kỹ năng an toàn thông tin trên môi trường số trên Nền tảng MOOCS và thực hiện tập huấn kỹ năng số cho thành viên Tổ CNSCĐ tại các địa phương. Đến nay, Nền tảng MOOCS đã đạt hơn 28 triệu lượt truy cập các khóa học. Trung bình mỗi ngày tăng 2.000 – 3.000 lượt truy cập.