Sau nhiều năm sinh sống tại Việt Nam, nhiều người trong số họ đã coi đây là quê hương thứ hai của mình, họ cũng đón Tết mừng Xuân như một phần của mảnh đất hình chữ S.

Người phụ nữ Mỹ yêu Tết Việt

Suzanne Lecht (quốc tịch Mỹ), người sáng lập Art Vietnam Gallery, được xem như cầu nối giữa nghệ thuật đương đại Việt Nam và thế giới. Bà sống ở Nhật từ năm 1984. Cuộc sống của bà hoàn toàn thay đổi khi bà sang Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1994 để gặp gỡ nhóm nghệ sỹ Gang of Five gồm Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hòa, Trần Lương và Phạm Quang Vinh.

Tới đất nước hình chữ S, Suzanne Lecht nhanh chóng “phải lòng” văn hóa, nghệ thuật và con người Việt Nam. Bà nhanh chóng quyết định định cư tại Hà Nội, nơi có những nghệ sỹ thân thiết với bà, những món ăn bà yêu thích và phong cảnh đẹp tuyệt vời. Trong ngần ấy năm, bà vẫn tích cực hoạt động nghệ thuật, kết nối nền mỹ thuật Việt Nam với thế giới.

Tet Nguyen dan vua quen, vua la trong mat nguoi nuoc ngoai o Viet Nam hinh anh 1Người sáng lập Art Vietnam Gallery Suzanne Lecht rất yêu Tết Việt và bà thực hiện nhiều nghi thức truyền thống y như một người phụ nữ Việt. (Ảnh: NVCC)

“Tôi cảm thấy may mắn khi được làm việc với những nghệ sỹ Việt Nam tài năng. Nhiều giám tuyển và phòng tranh nước ngoài đang bắt đầu chú ý đến mỹ thuật Việt. Tôi cho rằng các nghệ sỹ Việt Nam sẽ có một tương lai hứa hẹn nếu họ quyết tâm bước ra thị trường thế giới,” bà nói.

Hàng năm, Suzanne Lecht thường tham gia khóa tu ở Làng Mai (Thái Lan) hoặc về Mỹ vào dịp Noel và Tết dương lịch để tận hưởng kỳ nghỉ lễ cùng gia đình. Đáng tiếc là kế hoạch đó không thể thực hiện được trong năm nay do dịch COVID-19.

“Năm nào tôi cũng ăn Tết cổ truyền của Việt Nam theo kiểu truyền thống. Tôi yêu Tết Việt, yêu cái cách mọi người tất bật chuẩn bị cho những nghi lễ quan trọng, yêu thành phố Hà Nội tưng bừng trong không khí đón Xuân,” Suzanne xúc động chia sẻ.

Theo bà, những ngày đầu năm thật đặc biệt, thành phố yên tĩnh và thanh bình, mọi người thường tản bộ du Xuân, dành thời gian thăm hỏi nhau, đi chùa, cùng ngồi ôn lại những câu chuyện cũ.

“Đêm Giao thừa là thời khắc quan trọng nhất. Ban thờ nhà tôi cũng đủ mâm ngũ quả, tiền vàng, hương nến. Đúng Giao thừa, tôi khấn các vị thần linh (tôi không biết tiếng Việt nhưng tôi hiểu rằng đó là lúc chúng ta cầu nguyện), đốt một ít vàng mã rồi rắc gạo muối như mọi người phụ nữ Việt. Nghi lễ này thật đẹp và thiêng liêng,” bà cho biết.

Nhớ lại cái Tết đầu tiên tại Việt Nam năm 1994, bà từng vừa sợ hãi, vừa phấn khích khi thấy trẻ con đốt pháo, bởi bà chưa từng thấy trẻ con chơi pháo như vậy. Lũ trẻ tinh nghịch thấy bà sợ thì lại càng đốt để trêu chọc. Bà vẫn nhớ ngày trước Hà Nội trong dịp Tết vắng vẻ và yên bình hơn bây giờ.

“Năm nay quả thực là một cái Tết đáng nhớ đối với tất cả chúng ta. Nhiều người không thể tranh thủ kỳ nghỉ Tết dài để đi du lịch nước ngoài như mọi năm. Tuy nhiên, họ vẫn có thể đi các tour trong nước, đây là cơ hội tốt để thúc đẩy du lịch nội địa. Qua đó, mọi người cũng sẽ nhận ra rằng Việt Nam đẹp vô cùng và họ chẳng cần phải đi đâu xa cả,” Suzanne nói.

Hơi ấm tình người tràn ngập không khí Tết

Nhà văn người Canada Jean Turcotte sống ở thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2011 và đã được trải nghiệm nhiều cái Tết ở Việt Nam ở nhiều địa phương như Cần Thơ, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,… bởi những người bạn của ông thường mời ông đến đón Tết cùng gia đình họ.

“Dù bất đồng ngôn ngữ nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự chào đón nồng hậu của những người bạn Việt Nam. Những cuộc gặp gỡ như vậy khiến tôi có cơ hội hiểu thêm về ẩm thực và phong tục đón Tết ở những vùng miền khác nhau. Hơi ấm tình người trong dịp Tết quan trọng của người Việt khiến tôi nhớ đến lễ Giáng sinh và năm mới ở quê nhà,” ông chia sẻ.

Tet Nguyen dan vua quen, vua la trong mat nguoi nuoc ngoai o Viet Nam hinh anh 2Nhà văn Jean Turcotte hiện đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Do dịch bệnh mà ông không thể về Canada thăm gia đình như mọi năm. Tuy nhiên, Việt Nam đã trở thành ngôi nhà thứ hai của ông, nên nhà văn chấp hành mọi quy định giãn cách xã hội mà không thấy khó khăn gì.

“Tại Việt Nam, tôi cảm thấy hoàn toàn yên tâm. Tôi vô cùng biết ơn các cơ quan chức năng của đất nước đã đặt sức khỏe của người dân lên trên hết,” ông nói và bày tỏ sự tin tưởng Tết Nguyên Đán sắp tới sẽ diễn ra vui vẻ vì Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Năm nay, ông sẽ ăn Tết ở Phú Quốc cùng với một số người bạn của mình.

Trong năm 2021, Nhà xuất bản Thế giới sẽ tiến hành dịch cuốn tiểu thuyết “Đẹp” của ông từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Ông chia sẻ niềm vinh dự khi được chia sẻ một góc nhìn của phương Tây về cuộc sống và văn hóa Việt Nam.

“Một số độc giả đã đọc bản tiếng Pháp và nói với tôi rằng tầm nhìn của họ về Việt Nam đã thay đổi. Trước đây, họ chỉ biết đất nước này là nơi chiến tranh đã đi qua,” ông nói.

Ông cũng đang hoàn thành một cuốn sách khác về lịch sử Việt Nam và một cuốn tiểu thuyết kể lại hành trình của một nữ phiên dịch từ Trụ sở Liên hợp quốc (ở New York) đến Trung Quốc và Việt Nam.

Diện áo dài Việt đón Tết

Nhà báo người Pháp Vanessa M đã sống ở Việt Nam hơn 10 năm nên với cô Tết cũng giống như ngày lễ Giáng sinh, là thời điểm các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau.

Những ngày cận Tết, cô thường đi chợ hoa ở Nhật Tân và ngây ngất trước vẻ đẹp của muôn hoa khoe sắc. Tết cũng là dịp mọi người cùng ăn nhiều món khác nhau, một số món chỉ đến Tết mới có như bánh chưng, thịt đông. Cô cũng đặc biệt thích thú khi thấy mọi người mặc áo dài.

Tet Nguyen dan vua quen, vua la trong mat nguoi nuoc ngoai o Viet Nam hinh anh 3Nhà báo người Pháp Vanessa M rất thích mặc áo dài để đi chúc Tết. (Ảnh: NVCC)

Năm nay, cô và gia đình không thể sang Pháp, nên họ đã thay đổi kế hoạch, chuyển sang đi du lịch Hội An hoặc Phú Quốc vào kỳ nghỉ Tết.

“Chồng tôi là người Việt. Trong dịp Tết, tôi thường giúp mẹ chồng đi chợ và nấu nướng. Ngày mồng 1 Tết, chúng tôi về quê chồng và gặp mặt đại gia đình. Phụ nữ trong nhà đều mặc áo dài, tôi và con gái cũng vậy. Trẻ con thì được lì xì - đó là những khoảnh khắc rất vui và ý nghĩa. Tôi cũng muốn các con hiểu hơn về truyền thống Việt Nam,” Vanessa chia sẻ.

Tiết trời Xuân se lạnh gợi nhớ quê nhà

Alexandra Rud là nữ DJ xinh đẹp đến từ Ukraine. Năm nay là năm thứ ba Alexandra đón Tết ở Việt Nam. Cũng như nhiều người nước ngoài, cô không thể về thăm nhà trong dịp Giáng sinh do đại dịch COVID-19. Nhiều show diễn ở nước ngoài đã được lên lịch như Mỹ, Nhật, Australia,... cũng bị hủy bỏ.

Tet Nguyen dan vua quen, vua la trong mat nguoi nuoc ngoai o Viet Nam hinh anh 4Nữ DJ Alexandra Rud thích đón Tết ở Hà Nội bởi tại đây có nhiều nét tương đồng với lễ đón năm mới ở quê hương Ukraine. (Ảnh: NVCC)

Tuy rất buồn nhưng cô cũng cảm thấy yên tâm khi ở Việt Nam bởi đây là một trong những đất nước kiểm soát đại dịch tốt nhất thế giới. Thời gian giãn cách xã hội, cô nghiêm túc chấp hành và thường giải trí bằng cách vẽ tranh hoặc chơi đàn piano.

Theo lời nữ DJ, cô rất thích không khí Tết cổ truyền ở Việt Nam. Gần Tết, mọi người tất bật mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, đường phố được trang hoàng lộng lẫy. Không khí se lạnh làm cô nhớ Ukraine da diết bởi có điểm tương đồng giữa năm mới ở Ukraine và Việt Nam.

“Là một DJ, tôi thường bận rộn đi biểu diễn trong dịp Tết. Có năm tôi ăn Tết trong thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cá nhân tôi thích không khí Tết miền Bắc hơn, vì không khí đón năm mới rất giống ở quê nhà,” Alexandra Rud trải lòng.

Theo Minh Thu
vietnamplus.vn