Ngày 12/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Triển khai Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020-2025 và Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2021-2025.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, nếu thực hiện tốt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020-2025 và Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2021-2025 sẽ đem lại hiệu quả kinh tế xã hội. Đồng thời, tạo nguồn cung thực phẩm ổn định đảm bảo CPI và có thể tăng cường xuất khẩu sản phẩm động vật trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thực hiện Kế hoạch, Chương trình trên đã có hệ thống các giải pháp từ kỹ thuật đến hỗ trợ tài chính cũng như tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu về phòng chống bệnh.

Với bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với ngành nông nghiệp, các địa phương và đặc biệt có sự tham gia hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế cùng với đồng bộ các giải pháp, đặc biệt áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học ở các cấp độ khác nhau, do đó bệnh đã cơ bản được kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y, thời gian qua dịch tả lợn châu Phi chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Đại đa số các xã có dịch đã qua 21 ngày, bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn.

Trên 90% số xã, phường, thị trấn không có dịch tả lợn châu Phi trong 2 năm đầu thực hiện Kế hoạch; trên 95% số xã, phường, thị trấn không có dịch tả lợn châu Phi trong 2 năm tiếp theo và trên 99% số xã, phường, thị trấn không có dịch tả lợn châu Phi trong 2 năm cuối thực hiện Kế hoạch

Nhằm kịp thời phát hiện và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, góp phần chủ động bảo vệ đàn lợn trong nước trước nguy cơ tái phát bệnh; giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, kế hoạch đã đưa ra các giải pháp đồng bộ trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi hiệu quả hơn.

Do đó, kế hoạch cũng đặt mục tiêu là có trên 90% số xã, phường, thị trấn không có bệnh dịch tả lợn châu Phi trong 2 năm đầu thực hiện kế hoạch; trên 95% số xã, phường, thị trấn không có bệnh trong 2 năm tiếp theo và trên 99% số xã, phường, thị trấn không có bệnh trong 2 năm cuối thực hiện Kế hoạch.

Cùng với đó là xây dựng thành công ít nhất 500 cơ sở chăn nuôi lợn và 50 chuỗi sản xuất lợn, sản phẩm thịt lợn an toàn dịch tả lợn châu Phi, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu lợn, sản phẩm thịt lợn. Đồng thời, có 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 90% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và 80% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ áp dụng các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học.

Về bệnh lở mồm long móng, Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh bệnh lở mồm long móng đã qua 3 giai đoạn (giai đoạn 1 từ 2006-2010; giai đoạn 2 từ năm 2011-2015 và giai đoạn 3 từ năm 2016-2020).

Trien khai dong bo cac giai phap phong, chong dich benh tren gia suc hinh anh 1Nông dân xã Thanh Xương, huyện Điện Biên rắc vôi bột chuồng trại
sau khi bị dịch tả lợn châu Phi tái phát gây thiệt hại hơn 100 triệu đồng. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Kết quả trong giai đoạn 3 cho thấy, việc kiểm soát bệnh lở mồm long móng cho kết quả tích cực. Số ổ dịch giảm 12%, số gia súc mắc bệnh giảm 32% so với giai đoạn 2.

Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra và lây lan trong thời gian tới là rất cao; việc tổ chức triển khai thực hiện các chương trình chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, do chưa có sự phối kết hợp của các Bộ, ngành.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cũng chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn lực để triển khai chương trình. Nhiều địa phương chủ yếu dựa vào hỗ trợ vắc xin, thuốc sát trùng, giám sát sau tiêm phòng từ Trung ương.

Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng, giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ thuận lợi để Tổ chức Thú y thế giới (OIE) xem xét, công nhận Chương trình quốc gia của Việt Nam phù hợp với khuyến cáo của OIE.

Đây là một trong những yêu cầu quan trọng nhất và cần thiết phải có để bảo đảm đáp ứng yêu cầu của quốc tế, của các nước trong việc xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Bên cạnh đó, chương trình đặt mục tiêu số lượng ổ dịch lở mồm long móng và gia súc mắc bệnh giảm từ 10-20% so với trung bình của cả giai đoạn 2016-2020.

Xây dựng thành công thêm ít nhất 10 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện hoặc vùng liên huyện của một hoặc nhiều tỉnh, thành phố; xây dựng thành công, duy trì ít nhất 1.000 cơ sở, chuỗi chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh.

Theo Cục Thú y, từ đầu năm đến ngày 10/11, cả nước xảy ra 1.321 ổ dịch (bao gồm 458 ổ dịch xảy ra từ cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020, 27 ổ dịch phát sinh mới và 836 ổ dịch tái phát) tại 300 huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố.

Tổng số lợn tiêu hủy là 73.615 con, tổng trọng lượng khoảng 3.680 tấn.

Hiện, cả nước có 96% số xã không có dịch tả lợn châu Phi; bệnh dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được kiểm soát, bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn.

Từ ngày từ đầu năm đến ngày 10/11, cả nước xảy ra 182 ổ dịch lở mồm mong móng tại 58 huyện 24 tỉnh, thành phố. Số gia súc mắc bệnh là 7.090 con gia súc, chiếm 0,02% tổng đàn gia súc khoảng 34 triệu con.

Hiện nay, cả nước có 13 ổ dịch lở mồm long móng xảy ra tại 4 tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Trà Vinh và Hà Tĩnh chưa qua 21 ngày. Như vậy, tuyệt đại đa số (99,08%) trong tổng đàn gia súc trên 34 triệu con an toàn đối với bệnh lở mồm long móng.

Theo Bích Hồng
vietnamplus.vn