Nhiều trường đại học đã công bố các chương trình đào tạo, ngành học dự kiến mở mới trong mùa tuyển sinh năm 2024 ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Mở thêm ngành học mới
Năm 2024, một số trường đại học công bố dự kiến tuyển sinh các ngành, chương trình đào tạo mới khác với nhóm ngành truyền thống, mở rộng lĩnh vực đào tạo.
Năm 2024, Đại học Ngoại thương – Trường đại học tốp đầu cả nước về khối ngành kinh tế dự kiến tuyển sinh thêm các ngành mới là Khoa học máy tính, chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế, kinh doanh.
Trường cũng bắt đầu tuyển sinh chương trình song bằng với Đại học Queensland (Australia) ngành Kinh doanh quốc tế, chương trình Kinh doanh quốc tế (International Business) và Phân tích dữ liệu kinh doanh (Business Analytics) tại trụ sở chính Hà Nội.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến tuyển sinh 6 ngành mới với 400 chỉ tiêu, trong đó có 4 ngành thuộc lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin. Cụ thể, các ngành đào tạo dự kiến mở mới gồm Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin và Quan hệ lao động.
Theo thông tin từ nhà trường, công tác xây dựng ngành mới có vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa và mở rộng các ngành đào tạo của nhà trường, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội cũng như góp phần nâng cao vị thế của trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Việc này đã được xác định trong phương hướng và kế hoạch phát triển chung của trường, phù hợp với yêu cầu về nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng dự kiến mở thêm hai ngành mới là Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng. Theo đó, đây là lần đầu tiên trường đào tạo nhóm ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật. Trường dự kiến giữ ổn định 5 phương thức tuyển sinh với tổng chỉ tiêu khoảng 2.200 sinh viên cho 28 ngành học.
Năm 2024, Trường Đại học Việt Đức có thêm ngành mới là Kỹ thuật giao thông thông minh với chỉ tiêu dự kiến từ 20 - 30 sinh viên. Sau khi kết thúc năm thứ nhất, nhà trường sẽ xem xét kết quả học tập và nghiên cứu, đánh giá tác động của thực tiễn để có thể mở rộng quy mô tuyển sinh, đào tạo trong năm 2025.
Nhiều lựa chọn cho sinh viên
Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh mở hai chương trình mới tích hợp công nghệ ứng dụng là ArtTech (Công nghệ nghệ thuật) và Điều khiển thông minh và tự động hóa.
Theo thông tin từ nhà trường, ArtTech thuộc ngành Công nghệ thông tin và đây là lần đầu tiên một chương trình Arttech chuyên sâu được đưa vào đào tạo bậc đại học tại Việt Nam. Chuyên ngành học này là sự giao thoa giữa nghệ thuật và công nghệ, kết hợp giữa tri thức của các nghệ sỹ và kỹ sư để tạo ra những tác phẩm sáng tạo.
Chương trình Điều khiển thông minh và tự động hóa thuộc ngành Trí tuệ nhân tạo. Chương trình giúp sinh viên hiểu kỹ thuật, công nghệ và vận hành, quản trị sản xuất, từ đó, tạo ra các giải pháp ứng dụng công nghệ để làm cho một hệ thống trở nên tự động mà không cần sự can thiệp của con người, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh hai chương trình học mới, năm 2024, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ tuyển sinh trở lại chương trình Quản trị Hải Quan – Ngoại thương (thuộc chuyên ngành Thuế) tại cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh và chương trình Thuế tại cơ sở Vĩnh Long nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của các hoạt động kinh doanh quốc tế, xuất nhập khẩu, thuế quan, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thương nông nghiệp.
Theo đó, tổng số chương trình đào tạo của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 là 56 chương trình ở 11 lĩnh vực khác nhau với tổng số 7.900 chỉ tiêu, tăng 100 chỉ tiêu so với năm 2023, số tăng chủ yếu cho hai chương trình mới.
Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam bổ sung 6 chương trình đào tạo và 1 chuyên ngành mới. Các chương trình đào tạo mới gồm Cử nhân Kinh doanh và Quản lý, Cử nhân Kinh tế và Quản lý, Cử nhân Tài chính và Kế toán, Cử nhân Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Cử nhân Đồ họa Game, Cử nhân Truyền thông chuyên nghiệp. Chuyên ngành mới là ngành Hoạt hình thuộc chương trình Cử nhân Ứng dụng sáng tạo đương đại.
Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến mở 6 ngành mới gồm: Marketing, Công nghệ tài chính, Kinh doanh quốc tế, Khoa học dữ liệu, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, chuyên ngành Kiểm toán và Quản lý rủi ro (trong ngành Kế toán).
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội mở thêm hai ngành mới là An toàn thông tin và Ngôn ngữ Trung Quốc. Ngoài ra, từ năm thứ hai, sinh viên có thể đăng ký học thêm chương trình thứ hai nếu đủ điều kiện, sau đó được công nhận tốt nghiệp cùng một lúc hai chương trình đào tạo của trường.
Với hàng loạt ngành học mới được mở ở các trường, thí sinh sẽ có sự lựa chọn đa dạng hơn, cơ hội rộng mở hơn trong mùa tuyển sinh đại học 2024./.