Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành ngày 29/8 tới đây, giá xăng dầu tiếp tục giảm nhẹ 0,7 - 3,3% nếu Liên bộ Tài chính-Công Thương không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo ông Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia phân tích dữ liệu của VPI, mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơ ron nhân tạo (Artificial Neural Network - ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của VPI dự báo giá bán lẻ xăng E5 RON 92 có thể giảm 348 đồng về mức 20.072 đồng/lít, còn xăng RON 95-III có thể giảm 698 đồng về mức 20.612 đồng/lít.
Mô hình của VPI cũng dự báo kỳ này giá dầu bán lẻ có xu hướng giảm nhẹ; trong đó dầu diesel dự báo giảm 1,2% về mức 18.546 đồng/lít, giá dầu mazut dự báo giảm khoảng 0,7% về mức 15.641 đồng/kg, còn dầu hỏa giảm 0,1% về mức 19.123 đồng/lít.
VPI dự báo Liên bộ Tài chính - Công Thương kỳ này sẽ tiếp tục không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Trái ngược với xu hướng giá xăng dầu thành phẩm ở trong nước, giá dầu trên thị trường thế giới lại có xu hướng mạnh.
Chốt phiên giao dịch ngày 26/8 (giờ Mỹ), giá dầu Brent 3,05%, lên 81,43 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 3,5%, lên 77,42 USD/thùng. Đáng chú ý, cả hai loại dầu này đều đã tăng hơn 2% trong phiên trước đó.
Theo ông Dennis Kissler, Phó Chủ tịch phụ trách giao dịch tại công ty BOK Financial, hoạt động mua vào đang gia tăng trước tình hình căng thẳng ở Trung Đông, gián đoạn sản xuất ở Libya và lượng dầu dự trữ thấp tại Cushing, Oklahoma-một trung tâm lưu trữ dầu quan trọng của Mỹ.
Hiện Libya đã thông báo đóng cửa tất cả các mỏ dầu vào ngày 26/8, qua đó đình chỉ cả hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (NOC) của Libya chưa xác nhận thông tin này nhưng công ty con Waha Oil của NOC cho biết dự định giảm dần sản lượng và cảnh báo khả năng ngừng hoàn toàn hoạt động sản xuất của Libya.
Một công ty con khác của NOC là Sirte Oil cho biết sẽ giảm sản lượng một phần.
Chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng Thụy Sỹ UBS nhận định rủi ro lớn nhất đối với thị trường dầu là sự sụt giảm hơn nữa trong sản lượng dầu của Libya do căng thẳng chính trị tại nước này, với nguy cơ sản lượng có thể giảm từ mức hiện tại là 1 triệu thùng/ngày xuống 0.
Tại Mỹ, dầu dự trữ tại mỏ Cushing của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tháng qua.
Bộ Năng lượng Mỹ đã mua gần 2,5 triệu thùng dầu để giúp bổ sung vào kho dự trữ dầu chiến lược (SPR).
Theo các nhà phân tích của ANZ, giá dầu thế giới tăng còn do triển vọng nới lỏng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell ủng hộ việc cắt giảm lãi suất sắp tới./.