Đây là một trong những trọng tâm công tác của toàn ngành nội vụ trong năm 2021, năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
|
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác 5 năm giai đoạn 2016-2020
và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành nội vụ. Ảnh: VGP/Giang Thanh
|
Ngày 30/12, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác 5 năm giai đoạn 2016-2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành nội vụ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì hội nghị. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, với trên 450 đại biểu tại điểm cầu chính Bộ Nội vụ và gần 3.000 đại biểu tham dự trực tuyến tại 63 điểm cầu trong cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết xuyên suốt trong giai đoạn 2016-2020, ngành nội vụ nói chung và Bộ Nội vụ nói riêng đã tập trung thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm được giao.
Ngành nội vụ đã đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các bộ, ngành và địa phương thực hiện nhiều nội dung, bước đầu đạt được kết quả tích cực, thúc đẩy tính độc lập, chịu trách nhiệm trong quyết định và tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị.
Công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương được thực hiện quyết liệt, nổi bật là việc hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; sắp xếp thôn, tổ dân phố; việc phân định địa giới hành chính của các địa phương do lịch sử để lại. Quy định về cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; quy định không tổ chức cấp phòng trong Bộ và quy định số lượng cấp phó… Việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập cũng được thực hiện đồng thời với sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước, tạo được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị.
Báo cáo tổng kết công tác giai đoạn 2016-2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 của ngành nội vụ được Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trình bày tại hội nghị cho thấy nhiều kết quả nổi bật của ngành trong nhiệm kỳ vừa qua.
Hoàn thành vượt mục tiêu về tinh giản biên chế
Về sắp xếp bộ máy hành chính: Tại các bộ, ngành Trung ương giảm 12 vụ và tương đương; tại địa phương: Cơ quan chuyên môn giảm 05 tổ chức, phòng giảm 973 tổ chức, chi cục giảm 127 tổ chức; phòng thuộc chi cục giảm 1.179 tổ chức; tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh giảm 12 tổ chức. Cấp huyện giảm 294 cơ quan chuyên môn, trong đó có 278 phòng dân tộc.
Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 là 247.344 biên chế, giảm 27.504 biên chế (tương ứng giảm 10,01% so với năm 2015), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng. Biên chế sự nghiệp năm 2021 là 1.783.174 người, giảm 242.703 biên chế (tương ứng giảm 11,98% so với năm 2015), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã và số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố hiện nay là 1.031.851 người, giảm 147.290 người (tương ứng 12,49% so với năm 2015). Trong cả giai đoạn 2015-2020 cả nước đã tinh giản biên chế được 67.218 người.
Giải quyết dứt điểm vấn đề địa giới hành chính các cấp do lịch sử để lại
Công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thôn, tổ dân phố có bước đột phá quan trọng, với kết quả nổi bật: Trong 2 năm 2019-2020, toàn ngành nội vụ đã tham mưu cấp có thẩm quyền sáp nhập cấp huyện, cấp xã ở 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó giảm được 8 huyện, 557 xã, 38.369 thôn, tổ dân phố so với năm 2015.
Bên cạnh đó, ngành nội vụ cũng tham mưu Chính phủ hoàn thành dứt điểm các vấn đề địa giới hành chính chưa thống nhất giữa các địa phương do lịch sử để lại, tham mưu trình Chính phủ 07 Nghị quyết giải quyết dứt điểm được 15/16 khu vực, liên quan tới các tỉnh, thành phố (còn TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tiếp tục tham mưu Chính phủ).
Việc sáp nhập, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bảo đảm đúng tiêu chí quy định; đổi mới việc phân loại đơn vị hành chính để làm cơ sở xác định cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế phù hợp với quy mô và đặc thù từng loại đơn vị hành chính. Rà soát tiêu chí và sắp xếp lại thôn, tổ dân phố qua đó giảm đầu mối, giảm số người hoạt động không chuyên trách, tăng cường hiệu quả hoạt động.
Góp phần quan trọng vào công tác cải cách hành chính của Chính phủ
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tích cực tham mưu nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức thực hiện cải cách hành chính, bảo đảm tiến độ theo quy định; đồng thời thông qua một số công cụ mới để theo dõi, đánh giá công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương, như Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS). Một số bộ, ngành, địa phương đã tích cực trong việc thành lập và triển khai vận hành bộ phận một cửa để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, tạo thuận lợi cho công dân, tổ chức giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính được công khai, minh bạch và nhanh chóng. Đến nay, 100% các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, xử lý, ký số văn bản trên môi trường điện tử, đạt hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Năm 2021, với phương châm hành động của năm là “kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, Bộ Nội vụ tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm công tác như: chỉ đạo, tổ chức tốt công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo phân công của Hội đồng bầu cử Quốc gia. Chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo các quy định của Chính phủ và phù hợp với cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước; tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, có cơ chế lựa chọn, thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không đáp ứng được yêu cầu công việc và vi phạm kỷ luật, đạo đức công vụ….
Theo Giang Thanh
chinhphu.vn