Ngày 11/11, UBND tỉnh Quảng Bình đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn về công tác khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020. Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Quang và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thông tin về tình hình mưa lũ, thiệt hại và công tác ứng phó của tỉnh Quảng Bình. Theo đó, mưa lũ đã làm 25 người bị chết, 197 người bị thương, 106.220 ngôi nhà bị ngập. Ước tính tổng giá trị thiệt hại sơ bộ toàn tỉnh do 2 đợt mưa lũ là trên 3.500 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, thủy lợi bị thiệt hại nặng nề nhất. Ngay sau khi nước lũ rút, Quảng Bình đã kịp thời triển khai công tác phòng chống, khắc phục hậu quả, trong đó ưu tiên công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh nhằm sớm ổn định đời sống và đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân.
Hiện nay, song song với công tác khắc phục, sửa chữa các trường học bị thiệt hại nặng để ổn định dạy học, hỗ trợ người dân gia cố lại nhà cửa, tỉnh cũng đang tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp hướng dẫn các địa phương khẩn trương triển khai sản xuất cây ngắn ngày vụ Thu đông để đáp ứng nhu cầu cứu đói trước mắt; tranh thủ nguồn hỗ trợ giống cây trồng của Trung ương để chuẩn bị sản xuất Đông xuân; chỉ đạo các địa phương tái đàn và tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, thủy sản nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh; tu sửa, gia cố lại hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản để chuẩn bị bước vào vụ nuôi mới; đẩy mạnh trồng rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn với những loại cây phù hợp để giữ đất, giữ nước; khắc phục các công trình thủy lợi để phục vụ kịp thời cho sản xuất vụ Đông xuân.
 |
Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. |
Trước những thiệt hại do mưa lũ gây ra, tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hỗ trợ khẩn cấp giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; vắc xin các loại; hóa chất sát trùng; thức ăn chăn nuôi; kinh phí để gia cố khẩn cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, đê kè, nước sạch nông thôn bị hư hỏng trong các đợt lũ vừa qua; kinh phí di dân khẩn cấp ở các vùng sạt lở, vùng ngập lụt. Về lâu dài, Quảng Bình đề nghị hỗ trợ gói khắc phục cơ sở hạ tầng thủy lợi; hỗ trợ xây dựng Đề án phát triển kinh tế- xã hội các tỉnh Bắc Trung bộ thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ nghiên cứu giải pháp thoát lũ cho vùng Lệ Thủy, Đồng Hới, Phong Nha.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá cao nỗ lực trong công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai của tỉnh. Đồng thời nhấn mạnh: Công tác khắc phục và tái thiết sau thiên tai để ổn định đời sống lâu dài của người dân thông qua tạo sinh kế bền vững là vô cùng quan trọng, giai đoạn trước mắt tỉnh cần nhanh chóng khôi phục chăn nuôi gia cầm vì chu kỳ sản xuất ngắn có thể tạo sản phẩm trước Tết Nguyên Đán cho bà con. Tuy nhiên, để đẩy mạnh việc chăn nuôi sau lũ lụt, Quảng Bình phải thực hiện tốt công tác khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường an toàn, sạch bệnh. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị liên quan xây dựng mô hình nuôi gia cầm sau mưa lũ để phổ biến, nhân rộng; đồng thời, chỉ đạo các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và cơ quan quản lý địa phương tổ chức quan trắc môi trường vùng nuôi, đảm bảo môi trường an toàn trước khi thả nuôi, tránh thiệt hại.
Về một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đồng chí Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ kịp thời rà soát, xem xét để có sự hỗ trợ tối đa, giúp tỉnh Quảng Bình khắc phục hậu quả thiên tai.
Dịp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao hỗ trợ trên 33 tỷ 200 triệu đồng giúp Quảng Bình khắc phục hậu quả lũ lụt. Các doanh nghiệp cũng đã trao hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh về con giống, thức ăn chăn nuôi và chế phẩm sinh học để khôi phục sản xuất.