Sáng ngày 13/7, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao và Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương trong cả nước về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải.
Tại điểm cầu Trung ương, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương dự và điều hành hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy; đại diện các sở, ngành, đoàn thể; đại diện Thường trực các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và các hòa giải viên cơ sở.
 |
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác hòa giải đối với đời sống xã hội. Theo đó, công tác hòa giải không ngừng được phát huy và ngày càng trở thành phương thức giải quyết tranh chấp chiếm ưu thế trong hệ thống các phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột xã hội. Hòa giải cơ sở đã giải quyết triệt để mâu thuẫn, xung đột nảy sinh tại cơ sở, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, từ đó hạn chế đơn thư, khiếu kiện, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan Nhà nước và nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh. Công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần phát huy quyền làm chủ, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 96.605 tổ hòa giải với 600.462 hòa giải viên. Từ ngày 01/01/2014 - 30/9/2019, các tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải 875.573 vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật, trong đó hòa giải thành 707.945 vụ việc, đạt tỷ lệ 80,6%.
Thực hiện chủ trương đổi mới công tác dân vận, tăng cường hiệu quả hòa giải, đối thoại và thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt tỷ lệ 78,08%.
Để đạt được kết quả nói trên, có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sự nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác dân vận trong việc hòa giải, để từ đó vận động nhân dân sử dụng trước tiên biện pháp hòa giải ở cơ sở khi có tranh chấp, mâu thuẫn. Tuy nhiên, thực trạng hoạt động hòa giải nói chung, hòa giải ở cơ sở nói riêng còn đặt ra nhiều thách thức.
Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá khách quan về kết quả đạt được, thảo luận tại hội nghị, các đại biểu ở điểm cầu Trung ương và các địa phương đã nêu rõ những tồn tại, hạn chế của công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở và hòa giải đối thoại tại tòa án cũng như nhận diện bối cảnh mới với những yêu cầu và thách thức mới đặt ra. Từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp hữu hiệu, thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải, đối thoại tại tòa án trong thời gian tới gắn với vai trò của công tác dân vận.