Sáng 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) theo Tờ trình của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tờ trình - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, tính đến ngày 31/12/2019, tỉnh Đồng Tháp có tổng diện tích tự nhiên là 3.383,85 km2; quy mô dân số 1.693.313 người; có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm: Hai thành phố, một thị xã, 9 huyện và 143 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm: Chín thị trấn, 17 phường và 117 xã.

Thị xã Hồng Ngự có 121,84 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 100.610 người; có 7 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 3 phường và 4 xã. Trong đó, có 2 xã dự kiến thành lập 2 phường là xã An Bình A có 27,03 km2 diện tích tự nhiên; quy mô dân số 14.379 người và xã An Bình B có 19,08 km2 diện tích tự nhiên; quy mô dân số 7.352 người.

Việc thành lập thành phố Hồng Ngự trên cơ sở toàn bộ 121,84 km² diện tích tự nhiên và dân số 100.610 người của thị xã Hồng Ngự hiện nay.

Kết quả sau khi thành lập 2 phường thuộc thị xã Hồng Ngự và thành lập thành phố Hồng Ngự: Tỉnh Đồng Tháp không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và tổng số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhưng tăng một thành phố, giảm một thị xã; tăng 2 phường, giảm 2 xã.

Đánh giá về sự cần thiết thành lập thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Thị xã Hồng Ngự nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, có vai trò là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật-văn hóa, hành lang kinh tế biên giới của tỉnh Đồng Tháp. Những năm qua, nền kinh tế của thị xã có mức tăng trưởng ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực; đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, phúc lợi xã hội được chú trọng, tốc độ đô thị hóa nhanh, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư nâng cấp đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại, thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và làm động lực để phát triển kinh tế-xã hội cho thị xã nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung.

UBTVQH biểu quyết thông qua Nghị quyết - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Mặc dù ngành nông-lâm-ngư nghiệp chiếm tỷ trọng tương đối cao trong cơ cấu kinh tế của thị xã Hồng Ngự, tuy nhiên, thị xã đang chuyển đổi ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế ở địa phương. Các cụm công nghiệp của thị xã cũng chủ yếu chế biến nông, thủy sản để tạo ra một chuỗi liên kết gia tăng giá trị, tạo cơ hội việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động. Ngoài thế mạnh về sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, thị xã Hồng Ngự còn là trung tâm đô thị lớn ở vùng biên giới, tập trung nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ phát triển.

Việc thành lập thành phố Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, là tâm nguyện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, đồng thời, góp phần giải quyết những khó khăn, bất cập trong công tác lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội, quản lý trật tự xây dựng đô thị, quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng tài nguyên đất và bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Theo dự kiến phát triển của tỉnh Đồng Tháp từ nay đến năm 2030, sẽ sáp nhập huyện Hồng Ngự vào thành phố Hồng Ngự. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có 3 thành phố trực thuộc tỉnh là Cao Lãnh, Sa Đéc và Hồng Ngự.

Tại phiên họp, 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết nhất trí thành lập thành phố Hồng Ngự như Tờ trình của Chính phủ.

Theo Lê Sơn

chinhphu.vn

 

Lượt xem: 255

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1933 người đã bình chọn
      Thống kê: 165.434
      Online: 115