Sáng nay (12/10), Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống bão số 8 (có tên gọi quốc tế là bão Kompasu) theo hình thức trực tuyến.

Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh; đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh. Tham dự hội nghị tại các điểm cầu địa phương có Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai cấp huyện.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.

Do ảnh hưởng của bão số 8, từ chiều ngày 13 - 14/10, khu vực tỉnh Quảng Bình có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 15-250mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt. Từ ngày 16 - 18/10, Quảng Bình có mưa to đến rất to, trên các sông có khả năng xảy ra một đợt lũ từ báo động 2 đến báo động 3.

Hiện tổng số tàu thuyền hoạt động trên biển toàn tỉnh là 6.697 phương tiện. Neo đậu tại bến là 6.668 phương tiện; trong đó, cơ bản các phương tiện đã về neo đậu tại bến an toàn, một số phương tiện đã nắm bắt được thông tin của bão, hiện đang trên đường vào bờ tránh, trú hoặc di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Về sản xuất nông nghiệp, diện tích rau màu các loại đã thu hoạch là 1.350ha/1.800ha; sắn: 2.500ha/6.500ha. Tổng diện tích thủy sản hiện đang thả nuôi 2.205ha.

Về tình hình hồ chứa, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý 17 hồ chứa, dung tích các hồ chứa trung bình đạt 68.9%; trong đó, các hồ Tiên Lang, Trung Thuần, Vực Sanh, Cửa Nghè, Tróoc Trâu đạt 100% dung tích thiết kế. Các hồ chứa có cửa van do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý có dung tích trung bình 52%. 136 hồ chứa do địa phương quản lý cơ bản đã đầy nước, dung tích trung bình đạt 98% dung tích thiết kế.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.

Về giao thông, một số tuyến đường Quốc lộ bị sạt lở và ngập. Các vị trí tiềm ẩn nguy cơ sụt trượt mái taluy, các ngầm tràn đã được đơn vị quản lý bố trí cảnh giới, rào chắn, trực gác. Các địa phương cũng đang lên kế hoạch sơ tán 499 hộ/1.912 khẩu đến nơi an toàn.

Tại hội nghị, đại diện các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh, các địa phương đã tập trung thảo luận, phân tích các giải pháp để chủ động ứng phó với bão số 8 và mưa lũ lớn trên địa bàn, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai.

Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trương kêu gọi tàu thuyền di chuyển về nơi tránh, trú hoặc di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Sắp xếp neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại tối đa do va đập, hư hỏng tại nơi neo đậu. Không cho tàu thuyền ra khơi cho đến khi đảm bảo an toàn.

Các địa phương chủ động vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm dự trữ, nhất là tại các thôn, bản, vùng thường xuyên bị chia cắt, đề phòng mưa lũ kéo dài. Thông báo người dân khẩn trương dự trữ nước uống, lương thực, thực phẩm, chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, nhất là các thôn, bản khu vực miền núi, thường xuyên bị chia cắt.

Tổ chức gia cố nhà ở, trụ sở, trường học, kho tàng, nhà máy…; chặt tỉa cành cây để đảm bảo an toàn; các địa phương cần quan tâm, huy động lực lượng hỗ trợ các trường học trong phòng, chống bão. Đảm bảo an toàn đối với công trường (nhất là các công trình đê, kè đang thi công), công trình nhà cao tầng, máy móc trang thiết bị thi công… Không để xảy ra tình trạng lợi dụng phòng, chống thiên tai để đi lại ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Tại những khu vực có nguy cơ ngập sâu, chủ động kê cao, di dời tài sản, gia súc, gia cầm đến nơi an toàn.

Tạm dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với bão. Triển khai các phương án vận hành, bảo vệ an toàn đập, hồ chứa nước (kể cả hồ chứa thủy điện), nhất là các hồ chứa xung yếu, hồ chứa nhỏ bị hư hỏng, đặc biệt là Dự án Hệ thống thủy lợi Rào Nan. Tùy theo tình hình mưa lũ để vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Sơ tán, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhà không an toàn ở khu vực ven biển, cửa sông, thấp trũng, đặc biệt các huyện, thị xã ven biển phía Bắc của tỉnh, các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét, chia cắt khu dân cư. Tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè nuôi trồng thủy sản, trên tàu thuyền khi bão đổ bộ, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế di dời. Nắm chắc thông tin người đi rừng, thông báo yêu cầu người dân ra khỏi rừng hoặc tìm nơi tránh trú an toàn.

Đối với các khu cách ly y tế tập trung, cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, khẩn trương gia cố, chằng chống nhà cửa đảm bảo chắc chắn cũng như đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. Các khu cách ly, nhất là do cấp xã quản lý ở những địa phương vùng thấp trũng, có nguy cơ bị ngập sâu chủ động di dời đến nơi an toàn trước khi mưa lũ xảy ra.

Đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương thông báo, hướng dẫn người dân di chuyển qua địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn cũng như có phương án đảm bảo an toàn cho người dân từ các tỉnh từ phía Nam về quê lưu thông qua địa bàn tỉnh tạm thời tránh, trú trong thời gian xảy ra thiên tai. Khuyến cáo người dân không di chuyển trên đường cho đến khi bão tan, trừ những trường hợp cấp thiết và lực lượng thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, cần lưu ý gia cố chuồng trại, giảm thiệt hại đối với lồng bè, vùng nuôi trồng thủy, hải sản, vườn cây lâu năm, các trang trại chăn nuôi. Rà soát lại các đồn, trạm, chốt, lán trại, chủ động di dời, tránh xa các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, trong trường hợp cần thiết tạm thời rút lực lượng để đảm bảo an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là khu vực ngập sâu, chảy xiết, chủ động dừng các hoạt động đối với cầu phao, đò ngang khi có mưa lũ lớn. Tiếp tục vận động, tuyên truyền, đồng thời nghiêm cấm việc người dân vớt củi, đánh bắt thủy sản trên sông, suối khi có mưa lũ. Các lực lượng vũ trang, xung kích phòng, chống thiên tai; các ngành: Giao thông, Điện lực, Viễn thông, Cấp thoát nước triển khai lực lượng, phương tiện về các vùng trọng điểm sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Đài Khí tượng thuỷ văn Quảng Bình tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa lũ, dự báo và cung cấp thông tin cho lãnh đạo tỉnh để chỉ đạo và phối hợp các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thanh cơ sở thông tin kịp thời để Nhân dân biết, chủ động phòng tránh. Các cơ quan truyền thông kịp thời đưa tin về diễn biến tình hình mưa lũ, công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục hậu quả thiên tai.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các đồng chí trong Ban Chỉ huy được phân công phụ trách địa bàn cần kiểm tra, rà soát lại phương án ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch Covid- 19 của các địa phương để kịp thời chỉ đạo hoàn thiện các phương án, kịch bản chủ động ứng phó.

Lượt xem: 174

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      2067 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.362.419
      Online: 78