Ngày 01/3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh có Công điện số 4/CĐ-UBND, điện Ban chỉ đạo 389 tỉnh; Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan Quảng Bình; UBND các huyện, thành phố, thị xã. Nội dung Công điện cụ thể như sau:

Theo thông tin của Cục Thú y, từ cuối năm 2020 đến nay, bệnh Cúm gia cầm (CGC) A/H5N1, A/H5N6 xảy ra tại 7 tỉnh, thành phố trên cả nước với số gia cầm buộc tiêu hủy hơn 11.000 con. Tỉnh Quảng Bình hiện nay chưa ghi nhận trường hợp phát sinh ổ dịch Cúm gia cầm, tuy nhiên kết quả lấy mẫu giám sát chủ động hàng năm cho thấy mầm bệnh CGC vẫn lưu hành tại các vùng có nguy cơ cao, vùng đã xảy ra dịch bệnh. Đồng thời, kết quả tiêm phòng vắc xin CGC cho đàn gia cầm trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh đạt rất thấp, chưa đảm bảo miễn dịch bảo hộ theo quy định. Do đó, nguy cơ bệnh CGC xâm nhiễm, phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất lớn.

Thực hiện Công điện khẩn số 170/CĐ-BNN-TY ngày 11/01/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh Cúm gia cầm lây lan diện rộng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Các Sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương:

- Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Chỉ thị số 8711/CT-BNN-TY ngày 11/12/2020 về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân; chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 2331/UBND-KT ngày 22/12/2020 về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho vật nuôi vụ Đông Xuân; Kế hoạch số 3243/KH-UBND ngày 23/12/2020 về phòng, chống bệnh động vật năm 2021.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các địa phương có cửa khẩu, đường mòn, lối mở biên giới.

- Tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm.

- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không buôn bán, vận chuyển, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; sử dụng gia cầm phải nấu chín, tuyệt đối không ăn tiết canh.

2. UBND các huyện, thành phố, thị xã

- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng bệnh cho đàn gia cầm.

- Tổ chức Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi đại trà trên địa bàn cấp huyện từ ngày 28/01/2021 đến ngày 28/02/2021, chú trọng các địa phương là ổ dịch cũ, có nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh.

- Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm bổ sung vắc xin CGC cho đàn gia cầm, thủy cầm; xử lý nghiêm hộ chăn nuôi không chấp hành công tác phòng, chống dịch bệnh theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

- Chỉ đạo các đơn vị, phòng ban liên quan, UBND cấp xã tăng cường giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm, xử lý triệt để gia cầm mắc bệnh Cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Hướng dẫn, đôn đốc với địa phương triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh CGC; kịp thời tham mưu xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh khi xuất hiện ổ dịch bệnh CGC trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống truyền thanh tăng cường thông tin, tuyên truyền về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm theo nguyên tắc vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh, vừa bảo đảm an toàn cho con người, bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gia cầm, tránh gây hoang mang trong xã hội.

- Chỉ đạo cơ quan thú y chủ động phối hợp, trao đổi thông tin dịch bệnh Cúm gia cầm trên động vật với cơ quan y tế cùng cấp.

- Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh CGC theo quy định.

4. Sở Y tế: Chủ động triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm để cách ly, điều trị và quản lý kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng; chủ động trao đổi thông tin với cơ quan thú y cùng cấp trong giám sát bệnh lây truyền từ động vật sang người.

5. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp tỉnh: Tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo Kế hoạch đã được phê duyệt; căn cứ tình hình thực tế và diễn biến của dịch bệnh, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống có hiệu quả.

6. Ban chỉ đạo 389 tỉnh: Chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, nhất là gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với cơ quan thú y cùng cấp trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật theo quy định.

Yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương thực hiện.

Theo quangbinh.gov.vn

Lượt xem: 1349

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1933 người đã bình chọn
      Thống kê: 150.563
      Online: 32