Sáng ngày 15/7, Ban Chỉ đạo Thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cuộc họp nhằm triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đồng chí Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
 |
Đồng chí Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp. |
Thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 của Chính phủ về triển khai một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành dự thảo kế hoạch thực hiện, cụ thể như sau: Giảm mức bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất; hỗ trợ người sử dụng lao động trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch; hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
UBND tỉnh cũng đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý của các thành viên trong Ban Chỉ đạo. Nhấn mạnh đến ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các cấp, các ngành và các địa phương phải đảm bảo hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách; quá trình thực hiện hỗ trợ phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, chặt chẽ của các cấp chính quyền; phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành và các địa phương nhằm đảm bảo cho các chế độ, chính sách được triển khai linh hoạt, đảm bảo mục tiêu và nguyên tắc đề ra; Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò giám sát đối với công tác hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.