Sáng ngày 9/9, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ theo hình thức trực tuyến với các sở, ngành, địa phương để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng 8 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới. Chủ trì và điều hành hội nghị tại điểm cầu trung tâm có đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
 |
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh
điều hành phiên họp.
|
Qua đánh giá tình hình tháng 8 cho thấy, đầu tháng 8, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tiếp tục duy trì ổn định. Trong điều kiện bị ảnh hưởng rất lớn của đại dịch Covid-19, nhưng tỉnh Quảng Bình vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, một số ngành có mức tăng khá so với cùng kỳ; thu ngân sách 8 tháng đạt trên 4.400 tỷ đồng, đạt 81,5% dự toán, tăng 31% so với cùng kỳ; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; việc thực hiện các chính sách về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được thực hiện kịp thời. Tuy nhiên, đến cuối tháng 8, tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp. Đến ngày 8/9, UBND tỉnh đã quyết định tiếp tục thiết lập vùng cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 ở các địa phương có ghi nhận các ca F0. Tỉnh cũng đã quyết liệt tập trung chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nâng mức cảnh báo cao nhất trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương với mục tiêu là phải tập trung ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.
Tại phiên họp, các sở, ngành, địa phương đã thảo luận về những khó khăn, thách thức, đề xuất giải pháp để thực hiện nhiệm vụ thời gian tới, trong đó ưu tiên hàng đầu là công tác phòng, chống dịch, sớm kiểm soát tình hình để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, khôi phục sản xuất ở những vùng đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, lên phương án phòng, chống lụt bão trong điều kiện dịch Covid-19.
 |
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng phát biểu tại phiên họp. |
Về một số nhiệm vụ cần tiếp tục tập trung chỉ đạo trong tháng 9/2021 và trong thời gian tới, kết luận tại phiên họp, đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Yêu cầu trước mắt là ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh với phương châm “bảo vệ vững chắc vùng xanh, xanh hóa vùng vàng, thu hẹp vùng đỏ”. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh chính là yếu tố quyết định để phục hồi kinh tế.
Trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định, các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng kịch bản, kế hoạch cụ thể của mình trong và sau khi dịch bệnh kết thúc để triển khai thực hiện. Cụ thể, tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; tháo gỡ khó khăn để các cơ sở sản xuất công nghiệp tiếp tục sản xuất an toàn, trong đó cần khuyến khích và có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”. Mặt khác, bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm và hàng hóa khác đầy đủ cho người dân, không để ách tắc và xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, nhất là trong thời gian thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.
Nhấn mạnh, Quảng Bình đang bước vào mùa mưa bão, vì vậy, cùng với phòng, chống dịch, phải tập trung chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả khi có sự cố về thiên tai xảy ra.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo tập trung tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh; đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm; đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021. Tăng cường kiểm soát, thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, bổ sung nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác; tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường công tác quản lý tài nguyên môi trường; chuẩn bị tốt các điều kiện, phương án tổ chức học tập thích hợp trong năm học 2021-2022; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn, tuyệt đối không để người dân bị thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm.