Ngày 10/02/2022, UBND tỉnh đã có Công điện số 2/CĐ-UBND về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Cúm gia cầm A/H5N1 và các chủng vi rút Cúm gia cầm thể độc lực cao. Nội dung Công điện cụ thể như sau:

Theo thông tin của Cục Thú y, hiện nay trên cả nước đã xuất hiện 02 ổ dịch Cúm gia cầm tại 02 huyện thuộc tỉnh Quảng Nam làm 4.000 con gia cầm mắc bệnh, buộc tiêu hủy. Tại tỉnh ta, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm ngày 08/02/2022 cho thấy Cúm gia cầm chủng A/H5N1 (là chủng vi rút có khả năng lây truyền sang người) đã xảy ra ở 01 hộ chăn nuôi tại xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy làm 4.100 con gà mắc bệnh, chết và tiêu hủy. Bên cạnh đó, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, nhu cầu vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sau Tết Nguyên Đán tiếp tục gia tăng; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm năm 2021 đạt tỷ lệ thấp, chưa đủ khả năng miễn dịch cho đàn gia cầm. Nguy cơ dịch bệnh Cúm gia cầm phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất lớn.

Để khẩn trương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh Cúm gia cầm chủng A/H5N1 và các chủng vi rút Cúm gia cầm thể độc lực cao khác, UBND tỉnh yêu cầu:

1. Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm theo quy định Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ; chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công điện số 11/CĐ-UBND ngày 12/7/2021, Kế hoạch số 2815/KH-UBND ngày 23/12/2022, Công văn số 2341/UBND-KT ngày 19/10/2021, Công văn số 28/UBND-KT ngày 07/01/2022.

2. UBND các huyện, thành phố, thị xã

- Tuyên truyền người dân biết, hiểu các triệu chứng, tác hại của Cúm gia cầm. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời; không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

- Khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn; rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh, chưa được tiêm phòng.

- Triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022; chủ động bố trí kinh phí, nguồn lực để triển khai kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là dịch Cúm gia cầm.

- Hướng dẫn chủ cơ sở chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi đảm bảo vệ sinh phòng bệnh; thường xuyên vệ sinh, sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh.

- Chỉ đạo các Phòng chuyên môn, đơn vị liên quan, UBND cấp xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, xử lý triệt để các trường hợp gia cầm dương tính với vi rút gây bệnh Cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8… hạn chế lây lan ra diện rộng; thông báo kịp thời cho cơ quan y tế cùng cấp khi phát hiện các ổ dịch có khả năng lây sang người; tổ chức phòng, chống dịch theo quy định.

- Đối với địa phương đang có dịch: Tập trung nguồn lực, lực lượng khẩn trương xử lý dứt điểm ổ dịch, hạn chế phát sinh ổ dịch mới. Xử lý, tiêu hủy gia cầm bị mắc bệnh đảm bảo an toàn dịch bệnh, môi trường. Chỉ đạo các địa phương chưa có dịch cúm gia cầm chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng ứng phó nếu dịch xảy ra. Lập các chốt kiểm soát động vật tạm thời trên các trục đường giao thông thôn Phú Xuân, xã Phú Thủy, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm trên địa bàn. Tạm dừng hoạt động mua bán, vận chuyển gia cầm ra vào các thôn thuộc xã Phú Thủy và các thôn lân cận thuộc xã Trường Thủy, Kim Thủy… đến khi công bố hết dịch. Khẩn trương tiêm phòng bao vây ổ dịch theo hướng từ ngoài vào tại các thôn chưa có dịch trong xã Phú Thủy và các xã tiếp giáp xung quanh. Thực hiện theo dõi, giám sát sức khỏe những người đã tiếp xúc với ổ dịch thôn Phú Xuân, xã Phú Thủy. Thực hiện vệ sinh khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi gia cầm, giết mổ động vật trên địa bàn toàn huyện. Chỉ đạo phòng, ban chuyên môn, UBND cấp xã, nhất là xã Phú Thủy và các xã lân cận tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm để phát hiện sớm, xử lý triệt để các trường hợp gia cầm dương tính với vi rút Cúm gia cầm. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác gia súc, gia cầm bị bệnh, chết ra môi trường. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo hàng ngày.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Kịp thời theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các địa phương đồng thời tham mưu UBND tỉnh các biện pháp chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật có hiệu quả.

- Triển khai giám sát chủ động, lấy mẫu gia cầm tại địa bàn lân cận thôn Phú Xuân, xã Phú Thủy, gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh Cúm gia cầm, gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao.

- Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia cầm, các cơ sở buôn bán, giết mổ, đặc biệt tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép ra, vào địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ động phối hợp, trao đổi thông tin dịch bệnh Cúm gia cầm trên động vật với cơ quan y tế cùng cấp và triển khai các biện pháp phòng, chống các chủng vi rút có khả năng lây sang người.

4. Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan Quảng Bình, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo các đơn vị, lực lượng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vận chuyển, buôn bán, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn, nhất là ở các địa phương có dịch Cúm gia cầm; xử lý nghiêm trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc; tổ chức tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại của việc buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.

5. Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp nghi nhiễm các chủng vi rút cúm từ động vật sang người để chủ động cách ly, khoanh vùng có dịch, xử lý triệt để, không để lây lan ra cộng đồng; đảm bảo đủ trang thiết bị y tế, thuốc và hóa chất thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch ở các tuyến; tuyên truyền, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm lây sang người.

6. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng các cơ quan, đơn vị tuyên truyền về tác hại, các biện pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm để người dân chủ động phòng chống theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đồng thời, định hướng dư luận xã hội, không để tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến người sản xuất.

7. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tham mưu UBND tỉnh kịp thời bố trí kinh phí đảm bảo công tác phòng chống dịch động vật hiệu quả.

8. Ban chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

9. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh căn cứ tình hình dịch bệnh trên cả nước, trên địa bàn tỉnh chỉ đạo, triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm kịp thời, hiệu quả.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên tuân thủ, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Cúm gia cầm.

Yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương triển khai thực hiện.

 

Theo quangbinh.gov.vn

 

Lượt xem: 114

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1936 người đã bình chọn
      Thống kê: 183.935
      Online: 14