Ngày 1/11/2021, UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt Đề án “Làng Văn hóa Du lịch Cự Nẫm”. Nhằm nắm bắt tình hình cũng như kiểm tra đôn đốc tiến độ triển khai Đề án, chiều ngày 17/2, đồng chí Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra thực tế và làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan về triển khai Đề án Làng Văn hóa Du lịch Cự Nẫm, huyện Bố Trạch.
Đề án Làng Văn hóa Du lịch Cự Nẫm được thực hiện trong giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Đề án với mục tiêu chính: Xây dựng Làng Văn hóa Du lịch Cự Nẫm thành khu du lịch hấp dẫn với hệ thống sản phẩm du lịch, dịch vụ đặc trưng của địa phương, hướng tới lợi ích cộng đồng và hợp tác cùng phát triển, làm điển hình cho việc phát triển du lịch cộng đồng tại vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng như trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2025, Làng Văn hóa Du lịch Cự Nẫm đủ điều kiện để công nhận khu du lịch cấp tỉnh; trở thành điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí hấp dẫn tại khu vực Bắc Trung bộ.
 |
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong tìm hiểu sản phẩm tại điểm tham quan du lịch HTX Sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm. |
Theo Đề án, Làng Văn hóa Du lịch Cự Nẫm được xây dựng trên tổng diện tích gần 3.280ha. Trong đó, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 100.000 lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 50.000 lượt khách lưu trú mỗi năm.
Hiện nay, trên địa bàn xã Cụ Nẫm đã có nhiều homestay, farmstay, khu nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch. Các chủ cơ sở và doanh nghiệp đã có nhiều cách làm mới, nhằm tạo ra nét khác biệt so với các mô hình làm du lịch ở các địa phương khác, nhằm thu hút khách du lịch đến trải nghiệm và lưu trú.
Bên cạnh đó, hiện nay, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Sở Du lịch và UBND tỉnh, việc liên kết phát triển du lịch và nông nghiệp cũng đã được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã hướng đến, như: Triển khai loại hình du lịch nông nghiệp, xây dựng các chương trình trải nghiệm du lịch... để gia tăng tính hấp dẫn thu hút du khách. Ngoài ra, xem các sản vật của địa phương từ nông nghiệp là ý tưởng quan trọng để hình thành chuỗi hàng lưu niệm, mua sắm phục vụ cho du khách.
 |
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong cùng đoàn công tác
kiểm tra tại Khu du lịch sinh thái Đồi Dẻ.
|
Sau khi đi kiểm tra một số khu du lịch trải nghiệm, điểm dừng chân du lịch, đồng thời nắm bắt tình hình thực hiện Đề án Làng Văn hóa Du lịch Cự Nẫm, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong đã ghi nhận những nỗ lực của cá nhân, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn trong xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch, đồng thời nhấn mạnh: Để thực hiện Đề án và cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng xã Cự Nẫm đã được phê duyệt, chính quyền địa phương cần tiếp tục tiến hành thực hiện công tác chỉnh trang hệ thống điện, đường, cây xanh, đường hoa, công tác môi trường và thiết lập Quy hoạch chi tiết cho các khu di tích, đình làng, cổng làng, điểm du lịch, dịch vụ. Bên cạnh đó, xây dựng các sản phẩm du lịch cần có sự liên kết, tránh phát triển manh mún, rời rạc; tạo sự kết nối các điểm du lịch, nghỉ dưỡng.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương cần quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở du lịch trên địa bàn xã trong việc hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn quảng bá hình ảnh điểm du lịch, đầu tư bài bản, đồng bộ, hướng đến xây dựng các mô hình du lịch lưu trú để thu hút khách trải nghiệm; phấn đấu xây dựng Làng Văn hóa Du lịch Cự Nẫm trở thành làng quê du lịch đặc trưng của vùng đất Quảng Bình. Trong quá trình xây dựng, phát triển du lịch, Cự Nẫm cần giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, riêng có, từ đó phát triển các sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP đặc trưng, độc đáo, xứng đáng với các giá trị văn hóa, lịch sử của “làng một đêm” nổi tiếng trong thời kỳ chống Mỹ.