Chiều nay (23/2), Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến về giải pháp phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đồng chí Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và một số đơn vị liên quan.
.bmp) |
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình. |
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên bao gồm 19 tỉnh, thành phố. Theo thống kê trong 40 năm gần đây, trong tổng số 374 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, có 148 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền nước ta, trong đó có 94 cơn bão đổ bộ vào khu vực miền Trung và Tây Nguyên (chiếm trên 64%), tập trung vào các tháng 9 - 11. Cùng với bão, tình hình lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, rét hại cũng đã gây cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Trước những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo đúng hướng dẫn của Trung ương; chủ động phương án ứng phó và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả; phối hợp với các lực lượng Quân đội, Công an trên địa bàn huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ và hàng nghìn phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Trần Quang Hoài yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt là trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp; nâng cao vai trò, năng lực quản lý Nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ Trung ương đến địa phương.
Các cơ quan Trung ương cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm chính xác, kịp thời, hiệu quả; ưu tiên bố trí ngân sách, khắc phục hệ thống đê điều, bờ sông, bờ biển và đầu tư thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai; các địa phương cần xây dựng kịch bản để ứng phó với tình huống thiên tai xảy ra trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát; tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, bám sát, dự báo tình hình, diễn biến mưa lũ chính xác, kịp thời để chuẩn bị phòng chống, ứng phó…