Nghệ sỹ biết rằng rồi đến một ngày ông không hát được nữa, ông muốn để lại cho các thế hệ giảng viên và sinh viên thanh nhạc một "cẩm nang" để thể hiện rõ vẻ đẹp của tiếng Việt mỗi khi cất tiếng hát.
Nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu hát với tiếng đàn của nghệ sỹ nhân dân Phạm Ngọc Khôi,
Phó Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu vừa in xong một cuốn sách về âm nhạc, ông gọi tôi đến để ký tặng. Những ngón tay cầm bút run run khiến ông phải rất chậm rãi mới viết xong một dòng chữ. Ông bảo rằng cuốn sách này là tâm huyết cả đời của mình.
Rồi người nghệ sỹ cao hứng hát cho chúng tôi nghe một bản mash-up ghép từ hai ca khúc: Một bài ông tự sáng tác năm 11 tuổi và bài “Đoàn vệ quốc quân” (Phan Huỳnh Điểu). Tuổi cao, sức yếu, song khi cất lời ca, ông vẫn vẹn nguyên chất hóm hỉnh đã in đậm trong tâm trí khán giả qua các bài hát “Con voi,” “Anh quân bưu vui tính,” “Tôi là Lê Anh Nuôi”…
'Người Nga hát tiếng Việt'
Cuối năm 2020, nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu bị tai nạn giao thông, xương sườn bị gãy chọc vào phổi, tưởng như không thể qua khỏi. Vợ ông - bà Nguyễn Thị Minh Ngà chuẩn bị hậu sự cho chồng. Trong lúc dọn dẹp nhà cửa, bà phát hiện ra tập bản thảo “Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam” viết năm 1998.
Bà liền gọi học trò cưng của nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu - nghệ sỹ nhân dân Quốc Hưng (Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) để hỏi xem nên xử lý tài liệu này thế nào, có thể gửi vào thư viện của trường để phục vụ đào tạo, nghiên cứu hay không?
Ngay lúc đó, nghệ sỹ Quốc Hưng đã nghĩ tới việc in tập bản thảo này thành sách. Sau này, nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu bình phục, chính ông đã cùng bà Ngà và các học trò - nghệ sỹ nhân dân Quốc Hưng, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long biên tập và in sách.
Chia sẻ về lý do viết cuốn sách, nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu kể rằng thời trẻ học hát với các thầy người Nga. Lúc mới tốt nghiệp, ông bị nhận xét là “hát như người Nga hát tiếng Việt.” Có lần về Na Sầm (Lạng Sơn) hát, một bà mẹ gọi ông lại bảo: “Con ơi, sao con hát như bò rống thế hả con?” Rồi một khán giả khác lại nói: “Anh nên đi làm võ sỹ thì hơn.”
Nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu và vợ, bà Minh Ngà. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Sau đó, một nghệ sỹ Nga sang Việt Nam giao lưu và hát bài “Cây trúc xinh.” Nghe xong, mọi người đều cười. Trần Hiếu nhận ra rằng khi hát đến chữ “trúc,” nghệ sỹ Nga đã bật cả phụ âm cuối “c” lên. Từ đó, ông bắt đầu nghĩ đến việc nghiên cứu về cách hát tiếng Việt. Năm 1968, ông bắt tay vào công trình của mình.
Khi có dịp gặp nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Văn Khê, ông đã chia sẻ về ý tưởng nghiên cứu. Nghe xong, giáo sư Trần Văn Khê gợi ý cho Trần Hiếu viết công trình này bằng tiếng Pháp để lấy bằng tiến sỹ ở Pháp. Dù rất tự tin có thể làm được điều này song Trần Hiếu đành phải từ bỏ ý định bởi đúng lúc đó thì người vợ đầu của ông – mẹ của ca sỹ Trần Thu Hà bị ung thư. Ông không sang Pháp nữa nhưng vẫn lặng lẽ tiếp tục nghiên cứu, đến năm 1998 mới hoàn thành.
"Cẩm nang" lan tỏa vẻ đẹp của tiếng Việt khi hát
Nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu nhận thấy rằng ngôn ngữ có vai trò quan trọng nhất, góp phần định hình phong cách trong tiếng hát Việt Nam. Chính vì thế, ông chọn ngôn ngữ là đối tượng trọng tâm để nghiên cứu, diễn giải và bàn luận trong cuốn sách.
Giọng ca U90 chia sẻ: "Hơn 70 năm ca hát, trải qua những thành công và thất bại trong sự nghiệp của mình, tôi đã nhận ra được hết vẻ đẹp đặc biệt của ngôn ngữ Việt Nam trong tiếng hát mà cha ông chúng ta đã từng dày công xây dựng. Vẻ đẹp đó được thể hiện qua phong cách hát dân ca các miền vẫn đứng vững theo năm tháng thời gian.”
Nghệ sỹ biết rằng rồi đến một ngày ông không hát được nữa, ông muốn để lại cho các thế hệ giảng viên và sinh viên thanh nhạc một "cẩm nang" để họ hiểu và lan tỏa vẻ đẹp của tiếng Việt mỗi khi cất giọng hát.
Nghệ sỹ nhân dân Quốc Hưng (trái) và nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long,
hai học trò của nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chia sẻ về cuốn sách “Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam,” nghệ sỹ nhân dân Quốc Hưng cho rằng đây là tư liệu quý cho những ca sỹ, những người nghiên cứu, đào tạo thanh nhạc cần tìm đọc để hiểu về tầm quan trọng trong ngôn ngữ của nghệ thuật ca hát Việt Nam, từ đó thêm phần quyết tâm không ngừng trau dồi trong cách hát.
"Thầy Hiếu phân tích sâu về vai trò và ý nghĩa của âm vị học trong tiếng hát Việt Nam, ở nhiều loại hình dân ca như tuồng, đờn ca tài tử… từ đó ông đưa ra các đặc điểm về nguyên âm, phụ âm, đặc điểm về khiếu thưởng thức ca hát của người Việt Nam,” nghệ sỹ nhân dân Quốc Hưng nói.
Nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu sinh năm 1936, là người sở hữu giọng nam trầm hiếm có. Hoạt động nghệ thuật từ khi 10 tuổi, ông được đào tạo bài bản ở trong nước và nước ngoài.
Nghệ sỹ theo đuổi dòng nhạc trữ tình, quê hương, cách mạng với phong cách biểu diễn hài hước, duyên dáng đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người yêu nhạc. Ngoài biểu diễn, ông còn giảng dạy thanh nhạc và ngồi ghế giám khảo nhiều cuộc thi ca hát.
Năm 1988 ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú và đến năm 1997 được nhận danh hiệu nghệ sỹ nhân dân. Năm 2016, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) xác nhận: Nghệ sỹ nhân dân cao tuổi nhất vẫn còn biểu diễn trên sân khấu ca nhạc là Trần Hiếu.
Theo Minh Thu
vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/nsnd-tran-hieu-mot-doi-giu-gin-ve-dep-tieng-viet-trong-thanh-nhac/789709.vnp