Với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân thực hiện tầm nhìn phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”, sáng nay (29/5), tại tỉnh Sơn La, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi đối thoại với nông dân Việt Nam.

Tham dự đối thoại có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho hàng triệu nông dân Việt Nam. Buổi đối thoại được kết nối trực tuyến tại 62 điểm cầu trong cả nước. Tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Uỷ ban MTTQVN tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan và nông dân tiêu biểu của tỉnh Quảng Bình.

Các đại biểu dự buổi đối thoại tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.

Trước đó, thông qua các kênh thông tin của các cấp Hội Nông dân Việt Nam, Báo điện tử Dân Việt, đã có hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của nông dân cả nước gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

Tại buổi đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng với các bộ, ngành Trung ương đã trực tiếp trao đổi, giải đáp những kiến nghị, đề xuất trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn với nông dân, các cấp Hội Nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó tập trung 8 nhóm vấn đề liên quan đến giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch Covid-19, nhất là tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đang tác động nặng nề đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân; các vấn đề bất cập trong quản lý, sử dụng đất; vấn đề về thúc đẩy liên kết, hợp tác, phát huy tốt hơn nữa vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp; vấn đề di cư lao động từ nông thôn lên thành phố trở thành công nhân và giải pháp để ly nông nhưng không ly hương; khó khăn trong nguồn vốn sản xuất nông nghiệp; tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng hình ảnh nông dân văn minh, đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; các chính sách liên quan đến việc phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành điều hành hội nghị đối thoại.

(Nguồn ảnh: Nhật Bắc/baochinhphu.vn)

Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh; phát huy sự sáng tạo của nông dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu của chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu kết luận tại buổi đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm, thẳng thắn, cởi mở của  nông dân, các chuyên gia, doanh nghiệp, đặc biệt là những vấn đề thảo luận rất thiết thực đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại buổi đối thoại.

(Nguồn ảnh: Nhật Bắc/baochinhphu.vn)

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, chiến lược, khẳng định vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tiến trình phát triển đất nước. Thủ tướng cũng đề nghị, bên cạnh đối thoại thường niên của Thủ tướng Chính phủ với nông dân, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cũng cần tổ chức đối thoại với nông dân vào giữa hai kỳ đối thoại của Thủ tướng để phân cấp, giải quyết các vấn đề liên quan nông nghiệp, nông dân, nông thôn kịp thời, phù hợp với địa phương. Các bộ, ngành, Hội Nông dân Việt Nam và các địa phương cần tiếp tục lắng nghe, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của nông dân, kịp thời có các hỗ trợ, định hướng và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm. Cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.  Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nghề và nhân lực vùng nông thôn. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao năng lực cung cấp thông tin, dự báo thị trường, qua đó góp phần điều chỉnh sản xuất phù hợp; đồng thời, tiếp thu đầy đủ để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đời sống của nông dân ngày càng ấm no, sung túc hơn.

Lượt xem: 217

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1933 người đã bình chọn
      Thống kê: 159.653
      Online: 26