Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 3/6, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình do ông Vũ Đại Thắng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh dẫn đầu đã tích cực tham gia thảo luận.
 |
Các đại biểu dự phiên thảo luận tại hội trường sáng 3/6. |
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tiến Nam, ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, vấn đề thí điểm mô hình tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thu hút được sự quan tâm của nhiều cử tri trong cả nước.
Qua khảo sát thực tế, đại biểu Nguyễn Tiến Nam cho rằng, đây là một chủ trương đúng đắn, cần thiết, có cơ sở pháp lý phù hợp với yêu cầu thực tiễn, công tác quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo và tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trong giai đoạn hiện nay. Góp phần giải quyết những khó khăn cho Nhà nước và các cơ quan quản lý trại giam khi nguồn ngân sách chưa đáp ứng đủ điều kiện tổ chức cho lao động dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam chưa đủ đảm bảo, thể hiện tính nhân văn của chế độ. Dù phạm nhân là thành phần có tội, đang phải chịu hình phạt nhưng cũng phải tạo điều kiện giúp họ cải tạo để trở thành người tốt, có cơ hội sớm hoà nhập cộng đồng, khi hết hạn tù có việc làm và trở thành người có ích cho xã hội.
.jpg) |
Đại biểu Nguyễn Tiến Nam phát biểu thảo luận tại phiên họp. |
Về cơ sở pháp lý, tờ trình của Chính phủ đã nêu đầy đủ, cụ thể và có tính thuyết phục cao. Đặc biệt, tại Khoản 8 Điều 4 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định bảo đảm sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong hoạt động thi hành án hình sự, tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật. Phạm nhân có quyền được lao động, học tập, học nghề. Điểm d, Khoản 1 Điều 27 quy định phạm nhân có nghĩa vụ lao động, học tập, học nghề theo quy định. Điểm d, Khoản 2 Điều 27, Điều 33 quy định về việc tổ chức lao động cho phạm nhân và giao Chính phủ quy định chi tiết điều này. Đây là quyết định mở trong trường hợp Chính phủ không có quy định về việc cho phép tổ chức cho lao động phạm nhân ngoài trại giam thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào kết quả giám sát thực hiện thời gian qua của Bộ Công an để quyết định. Nếu thực hiện có hiệu quả thì Quốc hội xem xét, thảo luận để ban hành nghị quyết cho phép thí điểm việc làm này.
Một khía cạnh thực tế khác, qua khảo sát thực tế tại một số trại giam cho thấy, nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân là cần thiết, bổ ích và có ý nghĩa. Một số ý kiến cũng đề nghị các trại giam liên kết phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân...
Theo đại biểu Nguyễn Tiến Nam, một chủ trương việc làm đúng, có lợi cho xã hội, các đối tượng chịu sự tác động điều chỉnh thì cần ủng hộ. Hơn nữa, đây mới đặt vấn đề với thí điểm sau 5 năm sẽ tổng kết, đánh giá hiệu quả của vấn đề này nếu có kết quả tốt, đây là một định hướng để tiến tới việc đề nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật cho phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Tiến Nam bày tỏ nhất trí cao với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và mong muốn Dự thảo Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này để triển khai thực hiện. Nếu Quốc hội thông qua, trong quá trình triển khai, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có hướng dẫn cụ thể đối với một số vấn đề chưa được luật hóa hoặc quy định tại các văn bản dưới luật, tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp thuận lợi trong việc đầu tư sản xuất trên đất của trại giam theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, nhất là trong vấn đề Nhà nước giao đất an ninh cho các đơn vị quản lý, không thu tiền, vấn đề sử dụng nguồn vốn từ kết quả lao động của phạm nhân để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trại giam. Có cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa các bên để đảm bảo thực hiện tốt việc quản lý, giam giữ phạm nhân và tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề tại các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp một cách hiệu quả; có sự hỗ trợ, góp sức của các tổ chức khoa học xã hội, các trường đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu lao động trước mắt và lâu dài, đặc biệt là tránh lãng phí nguồn nhân lực rất lớn.