Sáng ngày 8/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Dự và chỉ đạo tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp Quốc gia kỳ thi; Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cấp Quốc gia kỳ thi và Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cấp Quốc gia kỳ thi. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo kỳ thi; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.
 |
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình. |
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cơ bản được giữ ổn định về phương thức như năm 2021. Kỳ thi sẽ được tổ chức vào các ngày 7 và 8/7/2022. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung đề thi năm nay nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 các năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022 sẽ không đưa vào đề thi năm nay. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến 17h ngày 5/6/2022, cả nước có trên 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi, trong đó hơn 83.100 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, trên 880.100 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp và tuyển sinh gần 39.200 thí sinh thi chỉ xét tuyển sinh.
Tại Quảng Bình, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có 11.167 thí sinh đăng ký dự thi, giảm 786 thí sinh so với năm 2021. Trong đó: 10.693 thí sinh đang học lớp 12, chiếm tỷ lệ 95,8% và 474 thí sinh tự do, chiếm tỷ lệ 4,2%. Toàn tỉnh có 9.455 thí sinh thi để xét tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng, chiếm tỷ lệ 84.7%; 1.316 thí sinh thi để xét tốt nghiệp, chiếm tỷ lệ 11,8%; 394 thí sinh thi chỉ để đăng ký xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, chiếm tỷ lệ 3,5%. Quảng Bình sẽ tổ chức thi tại 30 điểm thi chính thức, 30 điểm thi dự phòng với 493 phòng thi chính thức, 20 phòng chờ thi, 30 phòng thi dự phòng. Hiện nay, các địa phương đã và đang triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo đúng tiến độ. Các sở, ban, ngành, địa phương đã và đang phối hợp chặt chẽ nhằm tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đánh giá chính xác và công bằng, đúng chất lượng công tác dạy và học.
 |
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.
(Nguồn ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo/vietnamplus.vn)
|
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, năm nay dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng những ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn còn hiện hữu. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phương án tổ chức thi cho các đối tượng có liên quan đến dịch bệnh và đặc biệt là ngành cũng lường trước, dự phòng những phát sinh bất thường. Trong quá trình tổ chức thi và kiểm tra, Bộ yêu cầu các địa phương lưu ý đặc biệt đến các khâu như hỗ trợ tối đa cho Sở GD-ĐT chuẩn bị thật tốt về khâu chuyên môn cho học sinh bước vào kỳ thi một cách tốt nhất cả về kiến thức, tâm lý; hỗ trợ học sinh vùng sâu vùng xa trong vấn đề đi lại, lưu trú. Đặc biệt mong các địa phương quan tâm kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong các khâu đề thi, chấm thi và các khâu liên quan, nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật, trật tự trong kỳ thi.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đề nghị: các địa phương cần tiếp tục rà soát các khâu chuẩn bị cho kỳ thi; tập trung hoàn thành việc thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi cấp tỉnh; nâng cao chất lượng các đợt tập huấn nghiệp vụ thi cho cán bộ, giáo viên làm công tác thi; tập huấn phần mềm chấm thi trắc nghiệm; chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ kỳ thi: từ địa điểm in sao đề thi, địa điểm lưu trữ bài thi, địa điểm làm phách, điểm chấm thi… đến hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật. Chủ động xây dựng phương án chi tiết để tổ chức thi trong điều kiện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong công tác phòng ngừa, phát hiện gian lận trong thi cử, nhất là gian lận bằng công nghệ cao; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi tại địa phương; kịp thời báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu phát sinh tình huống để xử lý đúng quy chế thi, đảm bảo kỳ thi được diễn ra an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng.