Chương trình tiết kiệm và vốn vay thôn bản là chương trình nhằm nâng cao khả năng chủ động về mặt tài chính cho chị em phụ nữ, nâng cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội, góp phần vào chiến dịch bình đẳng giới của Plan International - Tổ chức phi chính phủ quốc tế.

Chi hội Phụ nữ bản Ka Định, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt định kỳ để đóng tiền vào tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn bản. Số tiền thu được sau mỗi buổi sinh hoạt là từ 2-3 triệu đồng, trung bình mỗi thành viên sẽ tiết kiệm được từ 100 đến 150 ngày đồng/tháng. Chị Hồ Thị Huê, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Ka Định chia sẻ về cách quản lý tiền của tổ: “Tổ sẽ cử 3 người phụ trách giữ khóa thùng tiền, 1 thư ký để ghi chép cẩn thận số tiền thu và chi. Tất cả được thực hiện công khai dưới sự chứng kiến của tất cả các thành viên trong tổ tiết kiệm”.

Được thành lập từ năm 2016, tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn bản của Chi hội Phụ nữ bản Ka Định hoạt động khá đều đặn và hiệu quả. Trung bình mỗi năm tiết kiệm được từ 30-40 triệu đồng, hỗ trợ hàng chục hội viên có nguồn vốn để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Một buổi sinh hoạt định kỳ để đóng tiền vào tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn bản

của chị em huyện Minh Hóa.

Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn bản là một phương thức hoạt động dựa vào cộng đồng nhằm khuyến khích sự tham gia của phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung trong việc hình thành và xây dựng năng lực tài chính của cộng đồng dân cư. Mỗi nhóm tiết kiệm và vay vốn thôn bản sẽ tự quản lý, hoạt động độc lập, công khai, từ đó cung cấp vốn vay cho các thành viên trong nhóm, đồng thời đóng góp một số tiền nhỏ cho quỹ xã hội. Các thành viên có thể gửi tiết kiệm và vay các khoản vay khác nhau theo cách thức hoàn trả dần phù hợp với khả năng của từng hội viên. Hiệu quả xã hội của nhóm tiết kiệm và vay vốn thôn bản chính là các thành viên được nâng cao kiến thức về quản lý tài chính hộ gia đình, có thói quen tiết kiệm, giúp cho người nghèo có cơ hội dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Chị Hồ Thị Be, 24 tuổi, là thành viên của tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn bản của Chi hội Phụ nữ bản Ka Định, xã Dân Hóa. Vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, sau một thời gian tham gia vào tổ, chị đã vay được một ít vốn để đầu tư nuôi dê. Hiện đàn dê của gia đình chị đang sinh trưởng và phát triển tốt. Dự kiến vào cuối năm nay sẽ xuất bán lứa đầu tiên. Chị Hồ Thị Be chia sẻ: “7 năm trước, vợ chồng tôi không có công ăn việc làm gì. Từ khi tham gia tổ và có tiền vay vốn làm ăn, cuộc sống vợ chồng tôi đã ổn định và khấm khá hơn trước”.

Toàn huyện Minh Hóa hiện có 8 xã đã triển khai mô hình tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn bản này, đó là các xã: Dân Hóa, Trọng Hóa, Trung Hóa, Thượng Hóa, Tân Hóa, Minh Hóa, Yên Hóa và Hóa Hợp. Đến nay, đã thành lập được 31 tổ với tổng số thành viên là 555 chị em phụ nữ. Tổng số tiền tiết kiệm được gần 1,4 tỷ đồng, xã xét cho 211 thành viên vay vốn để phát triển kinh tế và cho con cái học tập với số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Nhờ có nguồn vốn này mà nhiều chị em phụ nữ đã có điều kiện để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Hộ nghèo là phụ nữ khi tham gia mô hình này trong vòng 10 năm thoát được nghèo là 623 hộ.

Chị Đinh Thị Ngọc Lê, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Hóa cho rằng: “Lúc đầu triển khai mô hình thì chỉ có một vài tổ. Sau nhiều năm triển khai thấy hiệu quả, hiện rất nhiều địa phương nhân rộng mô hình này. Mô hình vừa giúp chị em có vốn làm ăn, vừa hình thành thói quen tiết kiệm và chi tiêu hợp lý trong gia đình. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Hóa sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động để chị em tham gia mô hình hữu ích này”.

Chi hội Phụ nữ thôn 3 Kim Bảng, xã Minh Hóa là một trong những chi hội thực hiện có hiệu quả mô hình tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn bản trên địa bàn huyện Minh Hóa. Hiện mô hình đã thu hút 44 chị em phụ nữ tham gia, trung bình mỗi năm tiết kiệm được từ 150-200 triệu đồng. Từ mô hình này, nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn đã được vay vốn để làm ăn. Bên cạnh việc vận động chị em tiết kiệm, hỗ trợ cho các thành viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận được các nguồn vốn vay từ các nhóm để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, mô hình được triển khai tại xã Minh Hóa cũng đã lồng ghép các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức của chị em về các vấn đề được xã hội quan tâm như bình đẳng giới, bạo lực gia đình, là nơi để chị em phụ nữ gặp gỡ, trao đổi tâm tư nguyện vọng trong cuộc sống.

Chương trình tiết kiệm và vốn vay thôn bản được triển khai ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đánh đấu bước tiến mới trong việc huy động, khuyến khích chị em phụ nữ cùng hành động để đưa chính mình thoát nghèo, tạo dựng thói quen tiết kiệm và quản lý chi tiêu trong gia đình, từ đó từng bước phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

Lượt xem: 357

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1932 người đã bình chọn
      Thống kê: 147.652
      Online: 71