Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Hiện Việt Nam là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư tăng trưởng tích cực và liên tiếp đạt kỷ lục mới, Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc. Các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi khác không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Đặc biệt, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (từ ngày 12-13/12) chắc chắn sẽ tạo thêm động lực làm sâu sắc và nâng tầm Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.

Lợi thế để phát triển kinh tế

Trung Quốc và Việt Nam có chung đường biên giới trên bộ, trên biển và đường thủy. Chiều dài biên giới đường bộ lên tới gần 400 km, đi qua địa phận của 7 tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Đặc điểm này đã mang lại cho hai nước có lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, quy mô thương mại Việt Nam-Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021, trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn, gây tác động mạnh mẽ tới hoạt động ngoại thương của Việt Nam, xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khả quan trong 10 tháng năm 2023 (tăng 5,1% so với cùng kỳ 2022), đạt gần 50 tỷ USD. Đây là một trong số ít những thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam mà Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng của xuất khẩu.

Triển vọng và tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế của hai nước có tính bổ sung lẫn nhau và xu thế phát triển của kinh tế thế giới đang hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

z4957003229094-87d42a477f72cc067a8be91ee3b7ec53-306.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại các tỉnh biên giới

với Trung Quốc. (Ảnh: (PV/Vietnam+)

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trong nhiều năm vừa qua, Trung Quốc là một đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc với thế giới và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2022, Việt Nam có 13 nhóm hàng xuất khẩu sang Trung Quốc có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 2 nhóm hàng trên 10 tỷ USD. Cụ thể là nhóm điện thoại các loại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 16,3 tỷ USD; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,9 tỷ USD 7,31% so với năm trước. Ngoài ra, xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt 3,8 tỷ USD; Máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác đạt 3,7 tỷ USD; Cao su đạt 2,4 tỷ USD…

Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 14 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 2 nhóm hàng đạt trên 20 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 24,3 tỷ USD và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (24,1 tỷ USD).

Nhiều cơ hội để thúc đẩy xuất nhập khẩu

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 47,84 tỷ USD. Đáng chú ý, Trung Quốc là thị trường dẫn đầu với giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 11,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 23,2%, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ đạt 9,5 tỷ USD, chiếm 20,6%, giảm 17,9% và Nhật Bản đạt 3,5 tỷ USD chiếm 7,4%, giảm 9,1%. So với cùng kỳ năm trước..

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết năm 2023, do ảnh hưởng của việc sụt giảm nhu cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc giảm sút, nhưng vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng của nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam.

Cụ thể, Trung Quốc hiện chiếm gần 54% tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam, trong đó tới 90% sản lượng trái vải xuất khẩu, 80% sản lượng thanh long xuất khẩu, hơn 90% sản lượng sắn và sản phẩm chế biến từ sắn.

Ngoài ra, năm 2023, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc có thể đạt tới 2,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ hơn 70% sản lượng cao su xuất khẩu và là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba của Việt Nam.

Đối với xuất khẩu gạo, theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Trung Quốc là thị trường truyền thống với nhu cầu tiêu thụ rất cao. Trung bình mỗi năm, thị trường này cần nhập khẩu tới 5 triệu tấn gạo, trong đó chủ yếu là gạo thơm và gạo nếp.

Trong khi đó, Việt Nam có khả năng cung ứng tốt các dòng gạo được ưa chuộng tại Trung Quốc (như các dòng gạo thơm phẩm cấp cao, gạo ST, gạo nếp,…) và đã thiết lập quan hệ bạn hàng truyền thống lâu năm.

“Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn nhận thức Trung Quốc là một thị trường quan trọng, từ đó không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng và quy cách sản phẩm, đáp ứng tốt các quy định và phục vụ tốt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc,” ông Phạm Thái Bình cho hay.

kykettq-2502.jpeg

Doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc tìm hiểu cơ hội hợp tác bên lề hội chợ kết nối doanh nghiệp

giữa hai nước. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tại Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc tổ chức ngày 27/11, ông Vương Văn Đào, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cho biết Trung Quốc có nhu cầu lớn và hoan nghênh nông sản chất lượng cao của Việt Nam.

Thống kê từ phía Trung Quốc cho thấy, sau 10 tháng kể từ khi sầu riêng được Trung Quốc mở cửa thị trường (cuối năm 2022), kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã đạt gần 2 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt xa con số này trong cả năm 2023.

“Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ tiếp tục điều phối, thúc đẩy Hải quan Trung Quốc mở cửa thị trường đối với nông sản Việt Nam,” ông Vương Văn Đào khẳng định./.

Kể từ khi hai bên thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (năm 2008) đến nay, quan hệ hai kinh tế-thương mại giữa hai nước không ngừng tăng trưởng.

Kim ngạch thương mại song phương tăng hơn 8 lần từ mức 20 tỷ USD năm 2008 lên gần 180 tỷ USD năm 2022. Qua 15 năm, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 10 lần từ mức lũy kế 2 tỷ USD vào năm 2008 lên 25 tỷ USD hiện nay. Riêng năm 2023, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ tư trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

 

Theo vietnamplus.vn

https://www.vietnamplus.vn/du-dia-lon-thuc-day-thuong-mai-hai-chieu-giua-viet-nam-va-trung-quoc-post914784.vnp

 

 

Lượt xem: 491

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1981 người đã bình chọn
      Thống kê: 309.018
      Online: 68