“Cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã”– đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 được tổ chức sáng ngày 31/7. Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

|
Đồng chí Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và đồng chí Trần Thắng,
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình
|
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được thông tin khái quát về Kết luận số 48 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Theo đó, đến năm 2025, hoàn thành sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định. Đến năm 2030, hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Nội vụ thông tin về Nghị quyết số 35, năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Nghị quyết 117 ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.Đại diện các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, phân tích về thuận lợi, khó khăn, các bước sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; việc rà soát, thực hiện điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch; việc điều chỉnh địa giới hành chính; việc quản lý tài chính, biên chế…
 |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị |
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp thu các ý kiến thảo luận tại Hội nghị để triển khai thực hiện. Khái quát lại những kết quả quan trọng, bài học kinh nghiệm trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021, Thủ tướng nêu lên các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới, trong đó, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn. Việc sắp xếp phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, giải pháp đồng bộ, tổng thể, bao trùm, có lộ trình, phân bổ nguồn lực phù hợp, hiệu quả, phương pháp khoa học.
Thủ tướng nhấn mạnh quá trình sắp xếp bảo đảm phù hợp với quy hoạch của các cấp, ngành, địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và phát huy tốt các nguồn lực. Bộ máy sắp xếp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hiện đại hóa nền hành chính gắn với xây dựng chính quyền số, xã hội số, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, tạo không gian phát triển mới đi đôi với tư duy mới, giá trị mới, bên cạnh đó, phải chú trọng cân nhắc kỹ các tiêu chí đặc thù, bảo đảm khoa học và thực tiễn.
Thủ tướng cũng lưu ý, việc sắp xếp đơn vị hành chính đồng thời phải giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2019 - 2021; thực hiện các chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân; phát huy hiệu quả vai trò giám sát của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Việc sắp xếp phải bảo đảm mục tiêu tạo thuận lợi cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo giữ vững quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân./.