Nhằm tiếp tục chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố trong mùa mưa bão, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện một số nội dung liên quan.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt nghiêm phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; xác định phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.

Tiếp tục thực hiện các Chương trình, Đề án, Kế hoạch, như: Kế hoạch số 155/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 42/2020 của Ban Bí thư; Chương trình hành động số 121/2021 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định đời sống Nhân dân...

Chủ động, sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố, nhất là bão, lũ, lụt, sạt lở đất. Rà soát, chủ động phương án và địa điểm sẵn sàng sơ tán, di dời; đảm bảo không để người dân thiếu chỗ ở, thiếu đói trong khi xảy ra mưa bão; tổ chức bố trí lực lượng, phương tiện tại các địa bàn trọng điểm, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét; hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó khi có sự cố, đặc biệt là người dân ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư các dự án, nhất là các dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn, dự án khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở bờ sông, bờ biển, di dời dân khẩn cấp đã được bố trí kinh phí… có phương án chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai; tập trung đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là tiến độ vượt lũ để an toàn cho công trình và khu vực dân cư.

Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nhất là truyền thông cơ sở về kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng ứng phó, phòng, chống thiên tai để các cấp, các ngành, người dân biết, chủ động thực hiện có hiệu quả. Đảm bảo thông tin liên lạc, an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn xã hội, hệ thống điện, nước sinh hoạt và sản xuất trước, trong và sau thiên tai, sự cố.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu, đặc biệt là lực lượng nòng cốt như Công an, Quân sự, Biên phòng, xung kích phòng, chống thiên tai… Đảm bảo công tác hậu cần, cứu trợ khẩn cấp trước, trong thiên tai. Chủ động triển khai sớm, kịp thời lực lượng, phương tiện, vật tư theo các phương án, kịch bản khi có tình huống xảy ra. Tập trung chỉ đạo, sớm ổn định đời sống sinh hoạt, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh sau thiên tai…

Lượt xem: 11

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Đóng góp ý kiến cho tin bài


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
     Thăm dò ý kiến, bình chọn
    Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
    1931 người đã bình chọn
    Thống kê: 122.287
    Online: 146