Niềm mong ước giản đơn có một ngôi nhà nhỏ ‘kín trên, bền dưới’ sẽ mãi chỉ là ước mơ nếu không có sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm, của cộng đồng.
Với tư duy mới, cách làm mới, cuộc vận động cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi” đang gấp rút được thực hiện. Cả nước đang chung sức, đồng lòng để hoàn thành mục tiêu cơ bản xóa xong nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn... khi kết thúc năm 2025.
Ước mơ về những ngôi nhà "kín trên, bền dưới"
Hưởng ứng phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, chỉ trong 9 tháng từ ngày phát động, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã đã hoàn thành việc xây dựng 5.000 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo của tỉnh Điện Biên, 500 căn nhà cho hộ nghèo của tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Yên Bái.
Hiện nay còn hàng trăm ngàn gia đình khó khăn về nhà ở, đến mức không có một nơi tử tế dù nhỏ để đặt bát hương thờ cúng tổ tiên của mình. Nhiều cụ già, em nhỏ phải ở những căn nhà dột nát, này mưa thì dột tứ bề, ngày rét thì gió lùa bốn bên.
Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Từ thành công này, ngày 13/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng với đồng chí Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi toàn quốc trong năm 2025, tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình; đã được cả hệ thống chính trị, toàn dân, doanh nghiệp hưởng ứng, tham gia tích cực, hiệu quả.
Phong trào thi đua chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” là phong trào thi đua với quyết tâm chính trị rất cao, xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát của người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong phạm vi toàn quốc trong năm 2025.
Tại chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi” diễn ra ngày 5/10, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xúc động chia sẻ: “Với cương vị công tác của mình, tôi đã có dịp đi khắp các vùng miền của cả nước, tận mắt chứng kiến rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo khi được nhận những căn nhà của các Chương trình mục tiêu Quốc gia, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của hệ thống Ngân hàng, của Quân đội, Công an, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trao tặng, đã nghẹn ngào, không nói nên lời. Cả người trao tặng và người nhận đều rưng rưng nước mắt vì hạnh phúc.”
Theo ông Đỗ Văn Chiến, hiện nay còn hàng trăm ngàn gia đình khó khăn về nhà ở, đến mức không có một nơi tử tế dù nhỏ để đặt bát hương thờ cúng tổ tiên của mình. Nhiều cụ già, em nhỏ phải ở những căn nhà dột nát, này mưa thì dột tứ bề, ngày rét thì gió lùa bốn bên.
“Họ đều khát khao có được một ngôi nhà nhỏ ‘kín trên, bền dưới’ để gia đình trú ngụ, để cụ già, em nhỏ đỡ khổ. Niềm mong ước tưởng chừng rất đơn giản ấy nhưng nếu không có sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm, của cộng đồng và xã hội thì với nhiều người mãi vẫn chỉ là ước mơ,” ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
450 ngày đêm xoá 400.000 căn nhà tạm, dột nát
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những nhiệm vụ đột phá và mang tính cách mạng; là một chủ trương lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và nhân văn sâu sắc, góp phần mang lại mái ấm tình thương cho người bị thiên tai, hỏa hoạn, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, cho người nghèo, người yếu thế, để không ai bị bỏ lại phía sau, giúp người dân ổn định cuộc sống và có điều kiện thoát nghèo.
Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung cho biết công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo đã đạt được những kết quả tích cực, tính từ năm 2000-2023, với sự tham gia tích cực của các lực lượng quân đội, công an, Mặt trận Tổ quốc, các doanh nghiệp và nhân dân cả nước, hơn 1,7 triệu căn nhà đã được xây mới và sửa chữa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay, qua rà soát cả nước còn khoảng 400.000 căn nhà tạm, nhà dột nát, chưa đảm bảo “3 cứng” hoặc thiếu hụt về chất lượng.
Phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát được phát động từ ngày 13/4 với mục tiêu là trong năm 2025 sẽ hoàn thành 3 nhiệm vụ: Hỗ trợ nhà ở cho người có công khó khăn về nhà ở (khoảng 200.000 căn) do ngân sách nhà nước bảo đảm; Hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia (khoảng 88.000 căn nhà); Xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài hai nhóm hỗ trợ trên.
Theo thống kê của các địa phương, ngoài 2 nhóm đối tượng đã được hỗ trợ theo ngân sách Nhà nước và chương trình mục tiêu quốc gia, cả nước còn 153.881 căn nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo cần kinh phí hỗ trợ tối thiểu là 6.500 tỷ đồng.
“Ai có gì góp nấy, ai có của góp của, ai có công góp công, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít” để mọi người dân được sống trong ấm no, hạnh phúc, trong tình dân tộc, nghĩa đồng bào và không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Để thực hiện được các mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị đề cao tinh thần tự lực, tự cường của địa phương; phân chia các địa phương thành 4 nhóm: Nhóm phát triển, nhóm khá, nhóm khó khăn, nhóm nghèo để có những cơ chế huy động hỗ trợ phù hợp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng tiết kiệm chi năm 2024 của ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương cùng với nguồn lực xã hội hóa để thực hiện theo cách vừa phân công, vừa giao chỉ tiêu hỗ trợ theo địa chỉ để các địa phương có điều kiện hỗ trợ các địa phương khác; vận động và phân công các Bộ, cơ quan, ngân hàng, doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương khó khăn, địa phương nghèo.
Từ nay đến hết năm 2025 chỉ còn khoảng 450 ngày đêm để hoàn thành mục tiêu xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát với, khối lượng công việc phải làm còn rất nhiều. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp hãy chung sức, đồng lòng, tăng tốc, bứt phá hơn nữa trong việc chung tay xóa hết nhà tạm, nhà dột nát với tinh thần “Ai có gì góp nấy, ai có của góp của, ai có công góp công, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít” để mọi người dân được sống trong ấm no, hạnh phúc, trong tình dân tộc, nghĩa đồng bào và không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.