Nhằm tăng cường sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách cùng toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 138 tỉnh) đã ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024.

Ảnh minh họa.
Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 có chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!”.
Các hoạt động chính được tổ chức, gồm: lễ phát động Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024; lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12 năm 2024 tập trung tại các ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn, trường học, khu công nghiệp và cộng đồng dân cư. Ngoài lễ mít tinh, có thể tổ chức các sự kiện phối hợp như diễu hành hoặc quần chúng đi bộ, đạp xe, chạy, truyền thông và tổ chức các sự kiện tặng quà cho người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS...
Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12, gồm: tăng cường truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trên báo in, trang thông tin điện tử, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình, các đài truyền thanh, truyền hình huyện, thị xã, thành phố cũng như hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn thông qua xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, tọa đàm, phóng sự, phim ngắn, lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào các chương trình giải trí quảng cáo, tọa đàm, giao lưu.
Tăng cường truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên hệ thống mạng xã hội như (Facebook, Zalo, TikTok, Youtube, Viber, Lotus…); tin nhắn điện thoại; các loại hình truyền thông trên nền tảng Internet; thông qua các hình thức truyền tải thông điệp hiệu quả cao như: video clip, audio clip… Kết nối các trang mạng xã hội của địa phương với các trang mạng xã hội của Cục Phòng, chống HIV/AIDS như: Fanpage Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam…
Tổ chức truyền thông cá nhân và truyền thông nhóm về HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng. Lấy lực lượng y tế xã và thôn bản làm nòng cốt, giao nhiệm vụ và định kỳ kiểm tra, giám sát kết quả và hiệu quả các hoạt động truyền thông. Tổ chức các sự kiện truyền thông về HIV/AIDS và các nội dung có liên quan tại trường học, khu công nghiệp… nhằm thu hút sự quan tâm của lực lượng thanh niên trẻ…
Ngoài ra, tổ chức các hoạt động chuyên môn như: hội nghị, hội thảo, tập huấn… Tùy điều kiện cụ thể từng đơn vị, địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo với số người tham gia và hình thức tổ chức phù hợp.
Các hội nghị, hội thảo tập trung phổ biến về các nội dung: tình hình dịch HIV/AIDS ở Quảng Bình; nguyên nhân, đường lây truyền HIV, các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và các biện pháp chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV; hậu quả của HIV/AIDS đối với sức khỏe, tính mạng con người và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và người nhiễm HIV trong phòng, chống HIV/AIDS; các phương pháp dịch vụ xét nghiệm HIV, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV; các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV; chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS.