Để tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật trong phạm vi của địa phương; quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai quy hoạch; đồng thời, thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, dự án có liên quan đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia, UBND tỉnh đã có Công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện một số nội dung liên quan.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến nội dung Quy hoạch đến tổ chức, cá nhân có liên quan; tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp quy định tại Điều 102 của Luật Lâm nghiệp đối với diện tích rừng hiện có. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ chuyên ngành trong quy hoạch lâm nghiệp; kiểm tra, giám sát quy hoạch lâm nghiệp đảm bảo phù hợp với chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ. Rà soát, xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, các dự án do sở, ngành, địa phương và đơn vị quản lý đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực tài chính khác để thực hiện các nội dung của Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, xây dựng, điều chỉnh, cập nhật các quy hoạch, kế hoạch, các chương trình dự án về lâm nghiệp trên địa bàn đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; tham mưu xử lý các vướng mắc (nếu có) đảm bảo phù hợp giữa Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì quản lý thống nhất về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện quy hoạch lâm nghiệp, bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, điều chỉnh các nội dung liên quan trong Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo từng loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện và bản đồ Phương án quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trong Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đảm bảo thống nhất, đồng bộ với bản đồ trong Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt.
Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cân đối, bố trí nguồn vốn thực hiện quy hoạch thuộc nhiệm vụ chi đầu tư phát triển. Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia đảm bảo phù hợp với các quy hoạch liên quan. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, đơn vị địa phương tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trong trường hợp có mâu thuẫn giữa Quy hoạch tỉnh với Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia hoặc có đề xuất điều chỉnh Quy hoạch tỉnh kịp thời cho phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế tại địa phương.
Sở Tài chính căn cứ khả năng cân đối của ngân sách tỉnh kết hợp lồng ghép trong nguồn vốn các chương trình, tham mưu bố trí kinh phí cho các cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phân cấp ngân sách hiện hành, quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan.
UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật; quản lý chặt chẽ quỹ đất để triển khai quy hoạch trên địa bàn.
Các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp tổ chức thực hiện các nội dung Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia phù hợp với tình hình phát triển của đơn vị. Tăng cường ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng, phát triển rừng và chế biến thương mại lâm sản và nâng cao kết cấu hạ tầng lâm nghiệp trên lâm phận quản lý…