Ngày 27/2/1950, trong trận chống càn diễn ra tại thôn Phù Trịch, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, 10 chiến sỹ cảm tử đã hy sinh và 23 chiến binh khác đã ngã xuống bên bờ sông Gianh lịch sử. Và đó là chiến thắng bi tráng bậc nhất trong lịch sử chiến đấu của quân và dân Quảng Bình trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở thế kỷ XX.

Giếng cũ nằm giữa cánh đồng Phù Trịch.

Giữa cánh đồng thôn Phù Trịch ở xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn có 1 cái giếng cũ vẫn còn hiện hữu với tuổi đời gần 1 thế kỷ. Trên thành giếng còn khắc thời điểm xây dựng, miệng giếng cũng không còn nguyên vẹn, trên đó là những dấu vết do lịch sử để lại. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, vậy nhưng giếng cũ này vẫn được bà con dân làng gìn giữ và bảo vệ. Đó là bởi, đằng sau giếng cũ là 1 câu chuyện bi tráng từng diễn ra trên mảnh đất bờ nam sông Gianh này. Ông Trương Anh Thêm, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Lộc, người được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này vẫn thường được nghe những người thế hệ trước kể lại: “Giếng cũ này là dấu tích lịch sử còn sót lại từ cuộc chống càn trên bến sông Phù Trịch. Ngay tại giếng này, 1 tên sỹ quan địch đã dùng súng máy bắn vào nhà dân, nơi bộ đội và dân quân đang ẩn nấp. Sau đó, quân ta phản công và bắn chết tên địch. Thi thể của tên này được chôn cách giếng 50m, sau này người dân gọi khu vực ruộng này là ruộng mả Tây. Những năm sau này, người ta đã bốc mộ về quy tập ở khu vực khác”.

Phù Trịch xưa là 1 thôn thuộc xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, phía Đông Nam cách thôn La Hà, xã Quảng Văn 1 quãng đồng và con hói nhỏ gọi là hói Hác. Đây là dải đất thuộc ngã ba sông Gianh, theo dọc sông Gianh nếu bước chân lên đất Phù Trịch – La Hà có thể trở thành bàn đạp mở cuộc tấn công cả vùng Nam Quảng Trạch. Đầu năm 1950, quân ta giải phóng nhiều vùng phía Bắc và Nam sông Gianh, quân Pháp chỉ còn lại 3 vị trí chính là Ba Đồn, Tiên Lệ và Minh Lệ đang bị cô lập. Vì lý do đó, quân đội Pháp càng ráo riết mở cuộc tấn công lên vùng Nam sông Gianh hòng chiếm lại những địa bàn đã mất.

Ngày 26/2/1950, ta được trinh sát cho biết, ngày mai kẻ địch sẽ mở trận càn vào Phù Trịch – La Hà. Nhận được tin trên, Tiểu đoàn 418 thuộc Trung đoàn 57 họp bàn ngay tại chỗ và đưa ra phương án chuẩn bị chiến đấu. Sau khi bố trí mai phục, đúng như dự báo, ngày 27/2/1950, kẻ địch từ 2 cánh bằng cano và thuyền ùn ùn kéo đến ven bờ Nam sông Gianh và hói Hác. Chúng dùng hỏa lực mạnh tấn công và ồ ạt tiến lên bờ. Trên bờ, Trung đội 21 tập trung hỏa lực nhắm thẳng vào toán lính đổ bộ đi đầu. Quân địch số chết, bị thương, số hoảng loạn chạy trở ra thuyền. Theo ý đồ chiến thuật, Tiểu đội 13 và 18 rút về, chỉ để lại Tiểu đội 15 ở lại cầm cự địch. Đây là thời điểm thiêng liêng và cảm động, 10 chiến sỹ của Tiểu đội 15 lần lượt ngã xuống, quân địch ồ ạt đuổi theo 2 Tiểu đội đang rút lui. Khi chúng rơi vào ổ mai phục, quân ta đồng loạt nổ súng tiêu diệt địch.

Ông Nguyễn Đống năm nay đã hơn 90 tuổi, nhưng những hình ảnh của trận chiến Phù Trịch diễn ra trước mắt khi ông mới chỉ là chàng trai mới 18, đôi mươi vẫn còn mãi trong tâm trí, bởi đó là những hình ảnh bi tráng nhất mà ông từng chứng kiến trong cuộc đời mình: “Ngày xưa ở địa bàn này không có kè đập như bây giờ mà là 1 vùng hoang vu mồ mả. Ở làng có dãy tre thì bộ đội được bố trí ẩn nấp trong dãy tre này. Khi lừa quân địch lên đến vị trí đã chọn sẵn, quân mình mới xông ra để phản công. Cuộc giao tranh diễn ra căng thẳng lắm, ca nông từ Thanh Khê lên, đánh từ 8h sáng đến 4h chiều mới tan trận, mới hết ca nông trong làng”.

Sau nửa ngày chiến đấu quyết liệt, Tiểu đoàn 418 đã tiêu diệt được 120 tên lính Âu Phi, phá hủy và làm hư hỏng 4 ca nô, thu giữ hàng trăm súng trường, súng ngắn và nhiều quân trang, quân dụng khác. Về phía ta, Tiểu đoàn 418 đã có 33 chiến sỹ hy sinh. Chiến thắng Phù Trịch đã thể hiện rõ khả năng hợp đồng tác chiến giữa quân chủ lực, bộ đội địa phương và bà con Nhân dân. Ông Nguyễn Đống nhớ lại: “Vì không chiếm được Phù Trịch, sau trận này, quân Pháp đã rút quân khỏi đồn Tiên Lệ, đồn Minh Lệ và Thanh Khê. Khi đó, tình hình chiến sự ở địa bàn này mới đỡ căng thẳng”.

Sơ đồ cuộc chống càn của quân dân Phù Trịch ngày 27/2/1950.

Trận đánh Phù Trịch diễn ra trong bối cảnh phong trào “Quảng Bình quật khởi” đang lên cao ở các địa phương trong tỉnh. Tại Quảng Trạch cũng vừa kết thúc chiến dịch “20 ngày đánh mạnh” và thu được nhiều thắng lợi, giúp phong trào kháng chiến tiến thêm 1 bước mới. Trong đà tiến công đó, thắng lợi ở Phù Trịch đã dập tắt ý đồ phản công của quân Pháp, đồng thời tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Nhân dân vùng Nam sông Gianh, đặc biệt là đồng bào vùng Công giáo. Ông Tạ Đình Hà, thành viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho rằng: “Chiến thắng Phù Trịch không chỉ làm tiêu hao sinh lực địch, dập tắt ý đồ muốn mở rộng vùng tạm chiếm của thực dân Pháp, đã kết hợp được 3 thứ quân: bộ đội chủ lực và dân quân du kích. Mà điều đặc biệt nữa là từ chiến thắng này, chúng ta đã phát động được cuộc chiến tranh Nhân dân. Sau này đã bổ sung vào kho tàng lý luận quân sự của chúng ta trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam”.

Nếu xem chiến thắng Phù Trịch là một dấu son trong chiến công của Trung đoàn 57 cũng như lịch sử kháng chiến chống Pháp của huyện Quảng Trạch, thì sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ Tiểu đội 15 là minh chứng cho lòng quả cảm của bộ đội ta lúc bấy giờ. Sự hy sinh cao cả đó của các anh hùng liệt sỹ đã được người dân sống ven bờ sông Gianh tả lại: “những cái chết lạ lắm, bà con khóc cả làng”. Trong bút ký “Trở lại sông Gianh”, nhà thơ Xuân Hoàng đã xúc động viết: “Tám, chín, mười, màu xanh trên thảm cỏ / Hết sức rồi Hồ Chủ tịch muôn năm / Nắng mênh mông, nắng ngập bờ sông / Phù Trịch mồ chôn đoàn cảm tử”. Nhớ về sự hy sinh anh dũng của 10 chiến sỹ cảm tử của Tiểu đội 15, ông Nguyễn Đống không giấu được xúc động:“Tôi tận mắt thấy những người đó bị bắn và ngã xuống. Tội lắm, toàn là những thanh niên trẻ 18, 19 tuổi thôi. Có người bị bắn ngay lưng. Chính tôi và một số người khác trong làng sau đó đã giúp tìm thi thể các đồng chí ấy”.

Không có chiến thắng nào không đổi bằng những hy sinh và không có sự hy sinh nào là vô nghĩa.“Phù Trịch – mồ chôn đoàn cảm tử”, nơi đây những người lính quả cảm đã nằm xuống để khẳng định ý chí và thắp lên niềm tin chiến thắng của quân dân ta ở bờ Nam sông Gianh lịch sử. Và nhờ thế những cái chết đã hóa thành bất tử…

Lượt xem: 643

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1997 người đã bình chọn
      Thống kê: 496.621
      Online: 131