Tối ngày 21/3, tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông thị xã Ba Đồn, Sở Văn hóa – Thể thao đã tổ chức lễ đón nhận Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia nghệ thuật trình diễn dân gian hát Kiều và tổ chức trình diễn nghệ thuật dân gian hát Kiều, hát ru Cảnh Dương. Dự lễ có đồng chí Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan.
|
Sở Văn hóa – Thể thao Quảng Bình tổ chức lễ đón nhận Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia nghệ thuật trình diễn dân gian hát Kiều. |
Hát Kiều xuất hiện vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Là một loại hình trình diễn dân gian, bao gồm hát, diễn xuất và làm trò. Hát Kiều mang đậm giá trị lịch sử, gắn liền với sự hình thành và phát triển của các cộng đồng người Việt trên quê hương tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là vùng tả ngạn sông Gianh. Hát Kiều cũng là một trong những Di sản văn hóa chứa đựng nhiều tư liệu khoa học, giúp cho công tác nghiên cứu, tìm hiểu quá trình phát triển văn hóa tinh thần của người dân thị xã Ba Đồn, huyện Tuyên Hóa, huyện Quảng Trạch nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung. Qua những câu hát, lối diễn xuất của hát Kiều thể hiện khát vọng của người dân về cuộc sống ấm no, hạnh phúc; về tình yêu lứa đôi; về niềm tin giữa con người với con người. Là nơi giao hòa, gắn kết cộng đồng. Thông qua loại hình trình diễn dân gian này, giúp cho người xem, người nghe hiểu hơn những nét đẹp trong phong tục, tập quán, lối ứng xử của người dân trong cuộc sống. Qua đó, góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, được biểu hiện qua các màn diễn, làn điệu và các nhạc cụ dân tộc.
|
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Tân trao Bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia nghệ thuật trình diễn dân gian hát Kiều cho đại diện lãnh đạo huyện Tuyên Hóa, huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn. |
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Tân đã trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghệ thuật trình diễn dân gian hát Kiều cho huyện Tuyên Hóa, huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn.
|
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Tân phát biểu tại buổi lễ. |
Để tiếp tục phát huy giá trị Di sản, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho các tầng lớp Nhân dân, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, các câu lạc bộ, nghệ nhân và Nhân dân thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, huyện Tuyên Hóa thời gian tới cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể hát Kiều. Qua đó, nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ, phát huy các giá trị của Di sản. Mỗi người dân cần nhận thức được việc vừa tham gia bảo vệ, vừa là người thụ hưởng những giá trị của Di sản văn hóa truyền thống; tổ chức đào tạo thế hệ kế cận tại các Câu lạc bộ hát Kiều, trong đó tập trung ưu tiên đào tạo nâng cao chất lượng các học viên trẻ. Tổ chức kiện toàn, đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên của các Câu lạc bộ, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước; quan tâm đầu tư kinh phí để hỗ trợ hoạt động các Câu lạc bộ hát Kiều; đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của các Di sản văn hóa phi vật thể, gắn bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa với phát triển du lịch.
|
Lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao Quảng Bình tặng hoa chúc mừng các Câu lạc bộ hát Kiều. |
Cũng tại buổi lễ, các đại biểu và người dân trên địa bàn đã được thưởng thức một số tiết mục hát Kiều và hát ru Cảnh Dương đặc sắc của các nghệ nhân đến từ Câu lạc bộ hát Kiều của các địa phương và Câu lạc bộ hát ru Cảnh Dương biểu diễn.