Điện Biên hiện diện trong văn học nghệ thuật, trong cả quá khứ và hiện tại, trong cả thời chiến và thời bình; đó chính là sự gắn bó máu thịt giữa văn nghệ sỹ với dân tộc, với Tổ quốc, với Nhân dân.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)
Ngày 19/4, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Điện Biên Phủ - Thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật.”
Phát biểu đề dẫn, Phó giáo sư, Tiến sỹ, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với quân và dân ta, lực lượng văn nghệ sỹ ở các chuyên ngành văn học nghệ thuật hợp thành được xem như một “binh chủng” vô cùng đặc biệt, đóng góp tích cực trong việc khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần chiến đấu và quyết chiến, quyết thắng của các chiến sỹ trên mặt trận.
Với ý nghĩa to lớn của chiến dịch Điện Biên Phủ làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu,” văn nghệ sỹ với sứ mệnh cao cả là sáng tác những tác phẩm hay, gây được sự chú ý của xã hội và rung động lòng người, thì Điện Biên Phủ mãi là nguồn cảm hứng sáng tạo to lớn của văn học nghệ thuật nước nhà.
Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng nêu rõ, ngay trong những ngày tháng bom đạn khốc liệt của chiến dịch, lực lượng văn nghệ sỹ cũng trực tiếp ra trận, sáng tác văn học nghệ thuật để khích lệ tinh thần các chiến sỹ, đồng thời ghi lại những giờ phút hào hùng của dân tộc.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Điện Biên vẫn là mảnh đất được nhiều văn nghệ sỹ lấy làm nguồn cảm hứng sáng tác, cho ra nhiều tác phẩm thành công như "Mùa lạc" (Nguyễn Khải), "Sông núi Điện Biên" (Trần Lê Văn), "Hoa ban đỏ" (Hữu Mai-Bạch Diệp), "Ký ức Điện Biên" (Đỗ Minh Tuấn), "Đường lên Điện Biên" (Bùi Tuấn Dũng)... Đồng thời, tỉnh Điện Biên cũng mong muốn các văn nghệ sỹ tiếp tục quan tâm, đầu tư tâm huyết sáng tác về đề tài Điện Biên Phủ trong thời gian tới.
Các đại biểu chủ trì hội thảo. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)
Các tham luận tại hội thảo nhấn mạnh, rất nhiều văn nghệ sỹ như nhà thơ Nguyễn Đình Thi, họa sỹ Tô Ngọc Vân, họa sỹ Nguyễn Bích, nhạc sỹ Hoàng Vân, nhạc sỹ Đỗ Nhuận, nhà văn Dũng Hà, nhà văn Hồ Phương... đã kịp thời phản ánh cuộc sống chiến đấu của quân dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ và đã để lại nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật sống mãi với thời gian.
Nhìn lại 70 năm sau, chúng ta có một khối lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật viết về đề tài này vô cùng phong phú. Điện Biên Phủ vẫn luôn là địa danh cuốn hút các văn nghệ sỹ dành nhiều tâm huyết và công sức sáng tác. Điện Biên hiện diện trong văn học nghệ thuật, trong cả quá khứ và hiện tại, trong cả thời chiến và thời bình. Đó chính là sự gắn bó máu thịt giữa văn nghệ sỹ với dân tộc, với Tổ quốc, với nhân dân.
Bên cạnh ý nghĩa khoa học, hội thảo còn chứa đựng tính chất tổng hợp, giúp tuyên truyền, quảng bá về những giá trị của Điện Biên Phủ trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Đồng thời, thúc đẩy sự thăng hoa, bền bỉ, nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo cho các văn nghệ sĩ để từ đó nâng cao chất lượng tác phẩm, tiếp tục có thêm nhiều sáng tác để đời về Điện Biên Phủ.
Trong khuôn khổ hội thảo, Ban tổ chức tiến hành phát động cuộc vận động sáng tác mới về Điện Biên Phủ đối với giới văn nghệ sỹ trong cả nước./.
Theo vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/dien-bien-phu-nguon-cam-hung-sang-tao-lon-cua-van-hoc-nghe-thuat-post941065.vnp