Năm 1959, theo lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ, 860 giáo viên trẻ miền Bắc đã tình nguyện lên với các bản làng miền núi xa xôi để dựng trường mở lớp, góp phần đưa miền núi tiến kịp miền xuôi...
Giờ tập thể dục giữa giờ của học sinh Trường Pom Lót khi sơ tán trong rừng tre, năm học 1964-1965.
(Ảnh: NVCC)
Lời tòa soạn
Tròn 65 năm trước, ngày 7/5/1959, nhân dịp kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 4 năm thành lập Khu tự trị Thái - Mèo, Nhân dân Tây Bắc đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Tại Lễ đài sân vận động Thuận Châu - Trung tâm hành chính Khu tự trị Thái - Mèo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thân mật nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc. Người một lần nữa ghi nhận và ngợi khen những người con Tây Bắc đã góp phần quan trọng cùng nhân dân cả nước làm nên một Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu."
Trở về từ Thuận Châu, trăn trở với những khó khăn của Tây Bắc, với tư tưởng “vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người,” “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu,” với quyết tâm đưa miền núi tiến lên cùng với miền xuôi xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững chắc cho đấu tranh thống nhất nước nhà, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi giáo viên miền xuôi xung phong lên miền núi dạy học, đem ánh sáng của Đảng phát triển kinh tế, văn hóa vùng cao.
Trước đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của Đảng (tháng 1/1959) đã đề ra nhiệm vụ: "Đảng và Nhà nước ta cần phải có kế hoạch toàn diện và lâu dài phát triển kinh tế và văn hóa ở miền núi tiến kịp miền xuôi, giúp các dân tộc phát huy tinh thần cách mạng và khả năng to lớn của mình."
Tháng 2/1959, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị số 128-CT/TW về việc đẩy mạnh hơn nữa việc thi hành chủ trương tăng cường công tác vùng cao. Chỉ thị khẳng định cả nướ đang "ra sức phấn đấu xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà", trong khi đó "tình hình vùng cao tiến triển chậm chạp". Theo đó, Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành phải "ra sức tuyên truyền giáo dục, nâng cao trình độ giác ngộ của nhân dân," "tăng cường công tác giáo dục," "ra sức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phươn," "ra sức phát triển cơ sở Đảng"....
Ngày 15/8/1959, Chính phủ ban hành Thông tư số 3116 –A7 về việc điều động giáo viên cấp 1, 2, 3 ở các tỉnh miền xuôi lên miền núi công tác, nhằm giải quyết vấn đề thiếu giáo viên và góp phần phát triển văn hóa giáo dục miền núi.
Thông tư 3116 –A7 nêu rõ: “Hiện nay, việc phát triển văn hóa giáo dục ở các tỉnh miền núi đang đòi hỏi một cách cấp thiết vì tình hình giáo dục ở các nơi ấy tiến quá chậm. Muốn phát triển được giáo dục, điều trước tiên là phải làm cho miền núi có nhiều giáo viên, hướng chính để giải quyết vấn đề giáo viên cho miền núi là đào tạo thật nhiều cán bộ, giáo viên người địa phương. Nhưng trong tình hình thực tế hiện nay thì số người dân tộc biết chữ để làm giáo viên còn rất ít, có nơi không có, như vậy trong thời gian trước mắt không thể nào không đặt ra vấn đề điều động giáo viên miền xuôi lên công tác ở các tỉnh miền núi… Vì vậy, Thủ tướng quyết định điều động giáo viên cấp 1, 2, 3 ở các tỉnh miền xuôi lên miền núi công tác.”
Các giáo viên tình nguyện lên vùng cao Tây Bắc với nhiệm vụ dựng trường, mở lớp cho học sinh miền núi
có chỗ học và được đi học. (Ảnh: NVCC)
Nhiệm vụ của giáo viên lên miền núi “là để đẩy mạnh phát triển giáo dục, làm cho đồng bào và thanh thiếu niên miền núi có chỗ học và được đi học,” “ngoài việc nâng cao trình độ văn hoá còn có ý nghĩa chính trị vô cùng quan trọng vì đồng bào sẽ nhận thấy rõ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ mà ra sức học tập, sản xuất, góp phần tích cực xây dựng miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà.”
Thông tư cũng nhấn mạnh việc điều động giáo viên lên vùng núi phải chú trọng “chọn những giáo viên có sức khoẻ, có lập trường tư tưởng tốt,” “chú trọng chọn đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động,” không được “ mệnh lệnh, quan liêu” “phải làm cho giáo viên thấy rõ nghĩa vụ quang vinh mà tự tuyện đi phục vụ.”
Theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào xung phong tình nguyện lên miền núi sục sôi trong ngành giáo dục trên toàn miền Bắc. Chỉ hơn 4 tháng sau chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Khu tự trị Thái – Mèo, hơn một tháng sau ngày Chính phủ ra Thông tư số 3116 –A7, tháng 9/1959, đoàn 860 giáo viên tình nguyện của các tỉnh, thành phố miền xuôi đã sẵn sàng khoác balo lên đường đến vùng cao với nhiệm vụ lớn lao là đem tri thức thắp sáng đồng bào, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi.
Dù năm nay đã 88 tuổi, thầy Lê Thúc Kỷ vẫn xúc động bồi hồi nhớ lại lời dặn dò của Bác Hồ khi đến thăm đoàn giáo viên trước khi lên đường: “Các chú đã tình nguyện thì phải tình nguyện đến nơi đến chốn’ - lời dặn ấy của Bác Hồ đã in mãi trong tâm trí, trong trái tim mỗi chúng tôi, trở thành động lực để chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, tiến về phía trước, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước đã tin tưởng giao phó!”
Sau đoàn giáo viên tiên phong năm 1959, phong trào giáo viên tình nguyện lên cống hiến cho vùng cao vẫn được tiếp tục duy trì nhiều năm sau đó. Theo tiếng gọi của Đảng, hàng nghìn giáo viên – thanh niên miền xuôi đã gác lại tình yêu, tình thân, cuộc sống nhiều thuận lợi để vượt núi băng rừng, trèo đèo lội suối đến gieo chữ nơi những bản làng heo hút chênh vênh bên sườn núi hay lẩn khuất giữa đại ngàn, cùng người dân chặt tre, dựng lớp, mở trường.
Từ nền móng của những người thầy tiên phong, trải qua hành trình 65 năm, giáo dục vùng cao nói Tây Bắc nói chung và giáo dục Điện Biên nói riêng đã có những bước tiến thần kỳ. Lớp lớp thế hệ học trò vùng cao đã trưởng thành, là những người lãnh đạo kiến tạo sự đổi mới cho chính quê hương mình hay góp phần phát triển đất nước ở rất nhiều cương vị, nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Nhân dịp 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Tây Bắc, 65 năm ngày 860 giáo viên đầu tiên theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ, của tình yêu tổ quốc, nghĩa đồng bào, lý tưởng sống cống hiến của tuổi trẻ, tình nguyện lên đường thắp sáng giáo dục vùng cao, nhân dịp 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu,” 20 năm được Đảng và Nhà nước chọn tháng Ba là Tháng Thanh Niên và “Năm Thanh niên tình nguyện” 2024, Báo Đện tử VietnamPlus trân trọng giới thiệu loạt bài “Từ lời kêu gọi thắp sáng vùng cao của Đảng đến kỳ tích giáo dục Điện Biên.”
Những giáo viên tình nguyện miền xuôi đã mang ánh sáng giáo dục đến tận những bản làng xa xôi nhất
của vùng cao. (Ảnh: NVCC)
Bài 1: Những người thầy tiên phong mang ánh sáng giáo dục thắp sáng đại ngàn
Xe ôtô vừa dừng lại, hai vợ chồng người giáo viên đã ngoại bát thập rưng rưng khi thấy trước mặt là tấm biển đề “Trường Trung học cơ sở xã Pom Lót” (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) – nơi cả hai đã cống hiến tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất cho lý tưởng của Đảng, của tuổi trẻ, của tình yêu nước, cho những em nhỏ của vùng đất anh hùng, với sứ mệnh thắp sáng giáo dục vùng cao - nền móng tiền đề quan trọng cho sự phát triển mọi mặt của Tây Bắc.
“Lần nào về thăm trường, tôi cũng xúc động nghẹn ngào. 65 năm đã trôi qua, ngôi trường phên tre vách đất khi xưa nay đã khang trang sạch đẹp. Vùng đất đói nghèo nay đã thay da đổi thịt. Thật vui và hạnh phúc khi thấy mình đã góp một phần nhỏ bé vào những thành quả hôm nay,” thầy Lê Thúc Kỷ, 88 tuổi, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Điện Biên, nguyên Hiệu trưởng đầu tiên của Trường cấp 1-2 Pom Lót xúc động nói.
Những ký ức về một thời thanh niên sôi nổi của mùa Thu năm 1959 lại ùa về, khi chàng sinh viên Lê Thúc Kỷ mới 23 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp sư phạm Trung ương viết đơn xung phong tình nguyện lên vùng cao dạy chữ. Thầy Kỷ là một trong đoàn 860 cán bộ, giáo viên trẻ khắp miền Bắc đã theo lời hiệu triệu của Đảng, của Bác Hồ, theo tiếng gọi của sứ mệnh thanh niên, quyết tâm góp phần đưa ánh sáng văn hóa soi rọi tới tận những vùng rẻo cao xa xôi nhất của Tổ quốc:
“Tây Bắc ư, có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hoá những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu...”
(Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên)
Đi theo tiếng gọi của Đảng: Sống cống hiến, lẽ sống thanh niên
Đoàn 860 cán bộ, giáo viên tình nguyện lên miền núi năm 1959 đều có tuổi đời còn rất trẻ, chỉ ngoài đôi mươi, trong đó chủ yếu là giáo viên cấp 1 và một số giáo viên cấp 2, 3, vì hầu hết các xã vùng cao khi ấy đều chưa có lớp, có trường.
“Chúng tôi đều hiểu lên miền núi sẽ rất nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, lý tưởng sống cống hiến mãnh liệt của thanh niên - cánh tay phải của Đảng, ai cũng sẵn sàng xung phong lên đường, sẵn sàng đối mặt với mọi gian nan, thử thách,” thầy Kỷ nói.
Thầy Lê Thúc Kỷ xúc động chia sẻ về những năm tháng tuổi trẻ tình nguyện lên với Điện Biên.
(Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Cũng mùa Thu ấy, thầy giáo Nguyễn Minh Tranh ôm hôn tạm biệt người vợ trẻ, tạm biệt mái trường với những học trò thân yêu, tạm biệt miền quê Thái Bình với những cánh đồng lúa xanh ngút ngàn cò bay thẳng cánh, khoác balo lên đường lên với vùng cao. Thầy Tranh khi ấy mới 21 tuổi, đã dạy ở quê nhà được 3 năm, mới cưới vợ được một năm.
“Chúng tôi đi theo tiếng gọi của Bác Hồ, của Đảng, của Chính phủ, đem sức mạnh của tuổi trẻ và tri thức giáo dục thắp sáng vùng cao, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi. Trước khi đi, các giáo viên còn được kiểm tra sức khoẻ và quán triệt về tư tưởng để đảm bảo những người lên vùng cao phải thấm nhuần tinh thần cống hiến, có đủ sức khoẻ và có nghiệp vụ chuyên môn tốt. Chúng tôi cũng được học về chính sách dân tộc miền núi,” thầy Tranh kể.
Không chỉ giáo viên, nhiều hiệu trưởng cũng sẵn sàng xung phong lên Tây Bắc, như thầy Vũ Kim Thuần. “Ngày đó tôi 24 tuổi, là hiệu trưởng một trường tiểu học ở Nam Định nhưng vẫn hăng hái lên đường bởi lý tưởng của tuổi trẻ khi ấy là sống cống hiến, sẵn sàng đi đến bất cứ đâu khi Tổ quốc cần,” thầy Thuần bồi hồi nhớ lại.
Trước khi đi, đoàn giáo viên đã được học về chính sách dân tộc của Đảng, và nhất là được Bác Hồ đến thăm. “Bác trò chuyện, hỏi thăm, dặn dò ân cần, đặc biệt, Người có nói một câu mà cả đoàn giáo viên năm 1959 ai cũng khắc cốt ghi tâm, không thể nào quên dù 65 năm đã trôi qua: ‘Các chú đã xung phong thì phải xung phong cho đến nơi đến chốn.’ Và lời dặn dò ấy đã trở thành sức mạnh để chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành nhiệm vụ mà Bác, Đảng và Nhà nước giao phó,” thầy Thuần xúc động nói.
Dù đã 88 tuổi, thầy Nguyễn Minh Tranh vẫn không thể quên những ngày lưng đeo ba lô, tay vạch rừng
tìm lối mòn đến với xã xa xôi heo hút nhất của Khu tự trị Thái Mèo. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Và tháng 9/1959, từ Trường Bổ túc công nông (Hà Nội), đoàn 860 giáo viên chính thức lên đường đi thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục vùng cao. Với đội ngũ giáo viên được chọn lựa, chuẩn bị kỹ càng từ miền xuôi, lần đầu tiên khu vực miền núi phía Bắc được xoá “trắng” giáo viên khi mỗi xã đều được phân bổ một thầy cô về dựng lớp, mở trường. “Núi rừng ơi hãy nuôi tôi nhé/Coi tôi như con đẻ núi ơi/Tôi ở đây mở trường dạy trẻ/Yêu núi rừng như quê mẹ của tôi…” - lời thơ của thầy giáo trẻ Vũ Kim Thuần những ngày đầu lên Tây Bắc cũng chính là tiếng lòng của 860 giáo viên với khát khao cống hiến, nguyện đem sức trẻ và tri thức đến với học trò vùng cao, coi Tây Bắc như quê hương thứ hai của mình.
Chặt cây, dựng lớp, mở trường gieo chữ trên non
Xe ôtô chỉ đi được đến thị xã Mường Lay, nên từ đây thầy Nguyễn Minh Tranh phải đi bộ đến điểm được phân công công tác là xã Chung Chải, ngã ba biên giới Việt – Lào – Trung, xã xa nhất của huyện Mường Tè, huyện xa nhất của Khu tự trị Thái-Mèo (nay thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên).
Lưng đeo chiếc balo nặng trĩu nào áo quần, sách vở, vật dụng cá nhân, tay xách chiếc chăn bông được Bác Hồ tặng, thầy Tranh phải đi bộ ba ngày mới đến được huyện lỵ Mường Tè. Từ đây, thầy tiếp tục trèo đèo, lội suối, vạch rừng mà đi tiếp thêm 7 ngày nữa mới đến xã Chung Chải, lại đi bộ thêm nửa ngày để đến được bản đông dân nhất xã là Vàng Vi Sú. Là bản đông dân nhất nhưng Vàng Vi Sú cũng chỉ có hơn chục nóc nhà, toàn đồng bào dân tộc Hà Nhì, không một ai biết tiếng Kinh.
Giáo dục ở hầu hết các xã vùng cao khi đó đều là những con số 0 tròn trĩnh: Không trường, không lớp, không giáo viên, không bảng đen, phấn trắng, nên nhiệm vụ đầu tiên của các giáo viên tình nguyện là dựng trường, mở lớp. Ngay khi đến Vàng Vi Sú, thầy Tranh bắt tay ngay vào việc phải tìm cho được khoảng đất bằng vì ở đây chỉ toàn đồi, núi, không có chỗ nào bằng phẳng rộng được đến 100m2, nhà dân cũng chông chênh bên vách núi. Rồi thầy cùng dân vào rừng chặt tre chôn xuống đất làm cột, đập dập thân tre làm vách, đan cỏ gianh lợp mái. Lớp học đơn sơ chỉ rộng độ hơn chục mét vuông, bàn ghế cũng bằng tre nứa nhưng là công trình công cộng đầu tiên - điều hoàn toàn mới lạ chưa từng có ở bản làng vùng biên viễn heo hút xa xôi này.
Giáo dục vùng cao đã khởi đầu với những ngôi trường tranh tre nứa lá do các giáo viên miền xuôi
cùng bà con dân bản dựng lên. (Ảnh: NVCC)
Để huy động học sinh ra lớp, thầy Tranh đến ở nhờ nhà dân, cùng lên nương với bà con để tìm hiểu văn hóa và học tiếng Hà Nhì. Lần đầu tiên có thầy giáo đến mở lớp, dựng trường nên lớp vỡ lòng của thầy Tranh gồm các học sinh từ 6 đến tận 16 tuổi, cả lớp khoảng 15 em, tiếng ê a đánh vần vang vọng núi rừng. Thầy dạy trò tiếng phổ thông, trò dạy thầy tiếng Hà Nhì. “Dân thưa thớt nên trường nào huy động được chục em đã là hạnh phúc lắm, nhiều nơi chỉ dăm, bảy em. Mỗi ngày tôi chỉ mong trời sáng mau mau bởi niềm vui lớn nhất là thấy học trò đến lớp, càng đông càng mừng nên độ tuổi nào cũng được chào đón,” thầy Tranh nhớ lại.
Những ngôi trường bằng tranh tre nứa lá cũng là hoàn cảnh chung của tất cả các trường. Những trường khu vực thị trấn “xịn” hơn khi dược “xây” bằng… bùn đất trộn rơm. Sau mỗi mùa hè, trường lại thủng tường, dột mái, bàn ghế gãy chân. Vì vậy, trước khi vào năm học mới, thầy trò và phụ huynh phải mất hai tuần vào rừng chặt cây về gia cố lại.
Vượt mọi khó khăn để “cắm lá cờ đỏ trên đỉnh núi cao”
Cũng được phân công về Mường Tè, thầy Nguyễn Văn Bôn được giao nhiệm vụ mở trường ở Mù Cả. Không có giấy, bút, thầy nghĩ ra cách gập tàu lá chuối làm vở, gọt cành cây làm bút cho học sinh viết chữ. Để học sinh chuyên cần đến lớp, thầy vận động các em ở bản xa mang gạo đến ở nhà dân quanh trường. Nhờ đó, lớp học của thầy Bôn thu hút được đến 40 học sinh, trở thành một hiện tượng khi là trường có đông học sinh nhất trong tất cả các xã khu vực vùng cao.
Thương học trò quanh năm nghèo đói, thiếu thốn mọi bề, mỗi dịp về xuôi lên, các thầy cô lại cố gắng tối giản đồ cá nhân, trích đồng lương ít ỏi mua thật nhiều bút, mực, sách, vở cho trò và không quên ít kẹo bánh làm quà cho các em.
Bên cạnh những thiếu thốn về cơ sở vật chất là cái đói, cái rét, thiếu ăn, thiếu mặc. “Có những giai đoạn hàng mấy tháng trời thầy cô chỉ ăn ngô xay và bí đỏ, không có lấy một hạt cơm. Quần áo phải dùng chung, để dành những bộ lành lặn luân phiên nhau mặc khi đứng lớp. Nhà công vụ giáo viên cũng chỉ là phên nứa lợp cỏ gianh, mùa đông biên viễn căm căm, gió lùa rét cắt da, cắt thịt. Và cả những nỗi khổ riêng tư khi nhiều giáo viên nữ ở vùng cao quá lứa lỡ thì… Trong giai đoạn làm Trưởng phòng Giáo dục Điện Biên, tôi thường xuyên phải đi khắp các điểm trường, nhưng không phải để kiểm tra mà để động viên các đồng nghiệp của mình cố gắng vượt qua khó khăn, duy trì lớp học,” thầy Lê Thúc Kỷ bồi hồi kể.
Giờ học của thầy và trò Trường cấp 1-2 Pom Lót khi sơ tán trong rừng tre. (Ảnh: NVCC)
Những ngày quân đội Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, thầy Kỷ lại cùng các thầy cô giáo, các học trò đào hầm trú ẩn, lớp học được sơ tán vào rừng. Giữa tiếng đạn bom, dưới tán rừng già, các lớp học vẫn diễn ra với ánh đèn leo lét được che chắn cẩn thận để chỉ chiếu vừa trang vở, quyết không để lỡ tiến trình năm học.
“Gian khổ và muôn vàn thách thức, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nản chí. Ai cũng nỗ lực hết mình, phải ‘xung phong đến nơi đến chốn’ như lời Bác dạy, phải ‘cắm được lá cờ đỏ - lá cờ của Đảng- trên đỉnh núi cao và hãy phất cao ngọn cờ ấy’ như lời đồng chí Chu Văn Tấn đã thay mặt Trung ương Đảng dặn dò trước lúc lên đường,” thầy Nguyễn Minh Tranh xúc động nói.
Và với sự quyết tâm, những nỗ lực không mệt mỏi của các thầy cô giáo, đặc biệt là các giáo viên tình nguyện miền xuôi, vượt lên mọi khó khăn, thách thức, ban ngày dạy chữ cho học sinh, buổi tối đi đến từng bản làng chong đèn dạy phổ cập xóa mù chữ cho bà con dân tộc, giáo dục vùng cao Tây Bắc đã có những bước tiến vượt bậc.
Năm 1962, cùng với trường Hải Nhân ở Thanh Hoá tiêu biểu cho cấp 1, trường Bắc Lý ở Hà Nam tiêu biểu cho cấp 2, trường Xuân Đỉnh ở Hà Nội tiêu biểu cho cấp 3, trường Mù Cả của Mường Tè đã trở thành một trong 4 lá cờ đầu của ngành giáo dục cả nước, tiêu biểu cho giáo dục vùng cao. Thầy Nguyễn Văn Bôn đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, trở thành người anh hùng đầu tiên của ngành giáo dục. Năm 1963, Mù Cả đã trở thành xã đầu tiên của vùng núi phía Bắc thoát nạn mù chữ - một kỳ tích được thiết lập chỉ sau 5 năm.
Cũng năm 1963, Ty Giáo dục Lai Châu được thành lập đánh dấu bước chuyển mình lớn của ngành giáo dục ở tỉnh nghèo miền núi Tây Bắc. Đến hết năm 1970, giáo dục Lai Châu đã phát triển khá mạnh, hoàn thành nhiệm vụ xóa mù chữ cho cán bộ, đảng viên, thanh niên vùng cao, nhân dân vùng thấp trong tỉnh.
Đào tạo nguồn nhân sự cốt cán cho Đảng, cho địa phương
Từ những lớp học i tờ đầu tiên của những người thầy miền xuôi tình nguyện lên cắm bản, lớp lớp thế hệ học trò vùng cao đã lớn lên, trở thành những lãnh đạo cốt cán của địa phương hay đi công tác ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Không chỉ tiên phong khai mở, đặt nền móng cho hệ thống giáo dục phổ thông, nhiều giáo viên tình nguyện đã trực tiếp góp phần đào tạo cán bộ lãnh đạo cho địa phương.
Thầy Vũ Kim Thuần năm nay đã 89 tuổi. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam
Sau 9 năm luân phiên làm hiệu trưởng khắp các trường khu vực Mường Lay, năm 1969, thầy Vũ Kim Thuần được điều động làm Phó hiệu trưởng Trường Bổ túc cán bộ tỉnh Lai Châu. Do trình độ văn hóa cán bộ địa phương còn thấp, nhiều bí thư huyện uỷ mới học hết lớp 4, 5 nên Trường Bổ túc cán bộ tỉnh có nhiệm vụ đào tạo các cán bộ đến hết lớp 7. Sau khi tốt nghiệp Trường Bổ túc, những cán bộ nguồn sẽ tiếp tục được về học cao hơn tại Hà Nội. Năm 1977, thầy Thuần lại được giao nhiệm vụ Hiệu trưởng Trưởng Đảng tỉnh Lai Châu.
“Tỉnh Lai Châu sau này được tách thành hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên nên rất nhiều lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh của hai địa phương này là học trò cũ của tôi. Nhiều người đã trở thành đại biểu Quốc hội hay Ủy viên Trung ương Đảng,” thầy Thuần tự hào nói.
Cũng như thầy Thuần, thầy Nguyễn Minh Tranh đã có 9 năm làm giáo viên, hiệu trưởng, luân chuyển qua các trường khác nhau ở Mường Tè để phát triển giáo dục huyện miền núi xa xôi này. Từ năm 1969, thầy được giao nhiệm vụ làm Phó ban, rồi Trưởng Ban Tuyên giáo huyện uỷ Mường Tè, Phó Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Lai Châu cho đến khi về hưu.
“Tuy sau đó không còn công tác trực tiếp trong ngành giáo dục mà đóng góp cho địa phương trên cương vị mới, nhưng tôi vẫn luôn theo dõi sâu về lĩnh vực khoa giáo, bởi đó là cả ký ức tươi đẹp nhất của thời thanh xuân sôi nổi,” thầy Tranh nói.
Tiếp nối những thế hệ giáo viên tiên phong đã đặt nền móng vững vàng, những giáo viên miền núi Tây Bắc hôm nay đang nỗ lực từng ngày để giữ được truyền thống và vượt qua những thách thức mới, hoàn thành sứ mệnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, đưa giáo dục miền núi ngày càng phát triển./.
Cô giáo Trần Thị Ngọc Diễm (ngoài cùng bên phải) và các học trò đội mũ rơm tập dượt cho việc học dưới chiến hào khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. (Ảnh: NVCC)
Bài 2: Phát huy truyền thống, chủ động đổi mới, sáng tạo trong dạy và học
Theo vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/tu-loi-keu-goi-thap-sang-vung-cao-cua-dang-den-ky-tich-giao-duc-dien-bien-post942109.vnp