“Việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không chỉ đơn thuần là yêu cầu hành chính mà còn là bước đi chiến lược nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển và cải thiện đời sống Nhân dân” – đó là nhấn mạnh của đồng chí Lê Ngọc Quang, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Quảng Bình tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo được tổ chức vào sáng ngày 20/3.

Quang cảnh phiên họp.
Tham dự có đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Trần Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và thành viên Ban Chỉ đạo.
Phát biểu đặt vấn đề tại phiên họp, đồng chí Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: việc sắp xếp lại đơn vị hành chính không đơn thuần chỉ là bài toán tổ chức bộ máy mà quan trọng hơn là làm sao để mô hình chính quyền sau sắp xếp hoạt động hiệu quả, gần dân, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, quá trình triển khai phải rà soát thật kỹ thực tiễn của từng địa phương, đánh giá tác động một cách khách quan, đa chiều; xây dựng phương án sắp xếp hợp lý, không gây xáo trộn lớn đến đời sống của người dân; đảm bảo sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân để quá trình thực hiện diễn ra thuận lợi, đạt kết quả cao nhất.
Sở Nội vụ cho biết: ngày 14/3/2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Quảng Bình gồm 26 thành viên do đồng chí Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Quyết định cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo.
Hiện nay, tỉnh Quảng Bình có 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 145 đơn vị hành chính cấp xã. Tính đến ngày 1/3/2025, sau sắp xếp, cấp huyện có 81 cơ quan chuyên môn, 550 đơn vị sự nghiệp công lập và gần 2.900 cán bộ, công chức cấp xã thuộc khối chính quyền quản lý. Thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Sở Nội vụ đang gấp rút tham mưu sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm đúng tiến độ và quy định.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Ngọc Quang phát biểu kết luận phiên họp.
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; đề xuất các phương án để thực hiện hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới, như: số lượng đơn vị hành chính cấp xã; công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự thống nhất; lựa chọn tên gọi, trụ sở của đơn vị hành chính mới, đảm bảo phù hợp với thực tiễn của địa phương và xu thế phát triển; rà soát các trụ sở, cơ sở vật chất của chính quyền các cấp để có phương án sắp xếp, bố trí hợp lý, không để thất thoát, lãng phí; hỗ trợ và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...
Kết luận phiên họp, đồng chí Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không chỉ đơn thuần là yêu cầu hành chính mà còn là bước đi chiến lược nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống của người dân.
Để thực hiện tốt chủ trương không tổ chức cấp huyện và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, đảm bảo xây dựng tổ chức bộ máy của tỉnh theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện phải khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, xây dựng phương án sáp nhập cấp xã theo nguyên tắc khoa học, hợp lý; trực tiếp chỉ đạo công tác rà soát, xây dựng phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với Sở Nội vụ để triển khai các nội dung công việc, đảm bảo phù hợp với thực tiễn của từng địa phương và thống nhất trong toàn tỉnh. Các địa phương rà soát, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức sau sáp nhập, ưu tiên giữ lại cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt, có tinh thần đổi mới, đồng thời đào tạo lại, bố trí vị trí việc làm phù hợp, đảm bảo không gây gián đoạn hoạt động của chính quyền địa phương; xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện dôi dư. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và Nhân dân; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.