Chiều ngày 14/4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tổ chức hội nghị để cho ý kiến về Đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh Quảng Bình. Đồng chí Lê Ngọc Quang, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Tham dự có đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị.
Phát biểu đặt vấn đề tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Ngọc Quang nhấn mạnh, vấn đề sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính là một chủ trương lớn, vô cùng cấp thiết. Đây không chỉ là sự điều chỉnh về địa giới hành chính đơn thuần, mà là một bước đột phá trong việc tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn, tạo động lực phát triển mới cho địa phương.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Ngọc Quang nhấn mạnh: Dự thảo Phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Quảng Bình đã được Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cho ý kiến, xem xét và điều chỉnh nhiều lần, theo sự chỉ đạo của Trung ương. Vì vậy, đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nghiên cứu kỹ Đề án, căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị thảo luận, đóng góp ý kiến vào Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã của tỉnh để đảm bảo Đề án đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất.
Tại hội nghị, đồng chí Trần Vũ Khiêm, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã trình bày Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh, bao gồm nguyên tắc thực hiện, tiêu chuẩn, phương án sắp xếp, dự kiến thông qua danh sách tên gọi, trung tâm hành chính của đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập. Theo đó, thực hiện Kết luận số 121, ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nghị quyết số 60, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII; các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII; Kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, về nguyên tắc: không thực hiện sắp xếp đối với đơn vị hành chính có vị trí biệt lập hoặc có vị trí quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia; trường hợp sắp xếp phường với đơn vị hành chính xã thì đơn vị hành chính sau sắp xếp là phường; trường hợp sắp xếp các xã, thị trấn thì đơn vị hành chính sau sắp xếp là xã; khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cần chú trọng các yếu tố đặc thù lịch sử, truyền thống, văn hoá, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán; vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, liên kết tiểu vùng; quy mô, trình độ phát triển kinh tế; quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự xã hội; hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin; bảo đảm tương quan hợp lý, tránh tạo sự giãn cách lớn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số giữa các xã, phường mới sau sắp xếp; bảo đảm chính quyền địa phương cấp cơ sở thực sự gần dân, sát dân. Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không giới hạn trong phạm vi địa giới hành chính của cấp huyện, cấp xã hiện nay; việc đặt tên của đơn vị hành chính cấp cơ sở sau sắp xếp cần dễ nhận diện, ngắn gọn, khoa học; khuyến khích đặt tên theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin, đặt tên đơn vị hành chính có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và được Nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ. Việc đặt trụ sở của đơn vị hành chính cấp cơ sở sau sắp xếp cần lựa chọn trụ sở của một trong số các đơn vị hành chính hiện nay đặt trụ sở của đơn vị hành chính mới để bảo đảm chính quyền cấp cơ sở nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định; trụ sở của đơn vị hành chính mới có vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống giao thông phát triển, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có không gian phát triển trong tương lai, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Theo đó, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Bình sau sáp nhập, hợp nhất là 41 xã, phường (bao gồm 36 xã, 5 phường).
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Ngọc Quang phát biểu kết luận hội nghị.
Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Ngọc Quang nhấn mạnh: việc thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính, thành lập mô hình chính quyền địa phương hai cấp là một bước ngoặt quan trọng để xây dựng chính quyền thực sự sát dân, gần dân, phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn và đưa đất nước ngày càng phát triển. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tác động sâu rộng, ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; đòi hỏi sự quyết tâm chính trị cao nhất, hành động quyết liệt, đồng bộ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
Trong bối cảnh yêu cầu hoàn thành Đề án trong thời gian rất nhanh so với khối lượng công việc phải thực hiện, ngay sau hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với các cơ quan, đơn vị của tỉnh Quảng Trị, tham mưu lãnh đạo hai tỉnh để thống nhất hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Các địa phương sớm tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh. Cùng với đó, HĐND các cấp xem xét, thông qua chủ trương về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh theo trình tự từ cấp xã đến cấp tỉnh (cấp xã hoàn thành chậm nhất ngày 22/4/2025; cấp huyện hoàn thành chậm nhất ngày 23/4/2025; cấp tỉnh hoàn thành chậm nhất ngày 25/4/2025); hoàn thiện hồ sơ các Đề án trình Chính phủ trước ngày 1/5/2025.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu khẩn trương xây dựng phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức; phương án bố trí trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, thiết bị, tài sản… để bộ máy hành chính mới đi vào hoạt động ngay khi Nghị quyết về sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành, không để gián đoạn, bỏ trống nhiệm vụ, ảnh hưởng đến đời sống xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục nắm tình hình Nhân dân, dư luận xã hội; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đúng các chủ trương, quy định, hướng dẫn của Đảng và Nhà nước về sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng cho rằng, việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh vẫn còn rất nhiều việc phải làm, với thời gian gấp rút, làm thay đổi mang tính lịch sử bộ máy chính quyền địa phương các cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, nguyện vọng của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, vì vậy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, các sở, ngành, địa phương phải đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh - tỉnh Quảng Bình, báo cáo Chính phủ, Trung ương theo đúng thời gian quy định.