Vừa qua, Bộ Nội vụ đã công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2024; trong đó, chỉ số PAR INDEX của tỉnh Quảng Bình giảm 4 bậc, chỉ số SIPAS giảm 19 bậc so với năm trước.

Năm 2024, Chỉ số PAR INDEX tỉnh Quảng Bình giảm 4 bậc, chỉ số SIPAS giảm 19 bậc so với năm 2023.
Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Quảng Bình năm 2024 đạt 86,95 điểm, xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố (tăng 0,89 điểm và giảm 4 bậc so với năm 2023). Có một số lĩnh vực tăng điểm và tăng thứ hạng như: xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số từ vị trí 42 lên vị trí 13; cải cách thể chế từ vị trí 50 lên vị trí 29; cải cách công vụ từ vị trí 54 lên vị trí 49; cải cách tài chính công từ vị trí 32 lên vị trí 28. Tuy nhiên, có một số lĩnh vực giảm thứ hạng như: chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính giảm 38 bậc; cải cách thủ tục hành chính giảm 17 bậc, cải cách tổ chức bộ máy giảm 8 bậc, tác động cải cách hành chính đến người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội giảm 5 bậc.
Chỉ số SIPAS được đánh giá theo Phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước giai đoạn 2023 - 2026. Năm 2024, Bộ Nội vụ khảo sát trên 36.630 người dân về sự hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Tại tỉnh Quảng Bình, Bộ Nội vụ chọn mẫu đại diện để thực hiện khảo sát tại TP. Đồng Hới và các huyện Minh Hóa, Quảng Trạch. Mỗi huyện, thành phố chọn 2 xã, phường và mỗi xã, phường chọn 2 thôn, tổ dân phố. Mỗi tổ dân phố khảo sát 27 phiếu, tổng cộng 486 phiếu. Kết quả, Chỉ số SIPAS tỉnh Quảng Bình năm 2024 đạt 82,46%, xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố, giảm 19 bậc so với năm 2023.
Kết quả các Chỉ số cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính. Đó là một số cơ quan, đơn vị chậm xử lý những tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm tra cải cách hành chính, có nơi làm hình thức để đối phó, chưa có hình thức xử lý cán bộ, công chức chậm trễ trong giải quyết công việc, đặc biệt là giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Một số cơ quan tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp chưa bố trí công chức theo đúng vị trí việc làm được phê duyệt. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số chưa đáp ứng yêu cầu…