Đối với người lính, mỗi kỷ vật chiến tranh đều là những ký ức về một thời hoa lửa oai hùng. Trên chặng đường hành quân, cựu chiến binh (CCB) Hồ Duy Thiện, quê ở huyện Tuyên Hóa đã cất giữ cho mình rất nhiều kỷ vật, đó là những lá thư từ quê nhà, những cuốn nhật ký ghi lại cảm xúc của người lính qua từng trận đánh… Và bây giờ, CCB Hồ Duy Thiện đã có cho riêng mình một “bảo tàng” ký ức với rất nhiều những kỷ vật thời chiến tranh.

Căn phòng nhỏ của CCB Hồ Duy Thiện có đến gần 100 kỷ vật thời chiến tranh. Bi đông đựng nước, đồ dùng cá nhân, áo Tô Châu, quân trang, chiếc đài bán dẫn dùng trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn năm 1975… và nhiều món quà của bà con nhân dân dành tặng trên các chặng đường hành quân, chiến đấu. Đó là những tài sản vô giá mà CCB Hồ Duy Thiện cất giữ hơn 45 năm qua ở quê nhà, thôn Minh Cầm Trang, xã Phong Hoá, huyện Tuyên Hoá.

CCB Hồ Duy Thiện chia sẻ: "Trong chiến tranh, tôi vốn hay cất giữ các kỷ vật, hy vọng sau này con cháu biết về một thời ông cha đã trải qua. Khi nhập ngũ tôi đã bắt đầu viết nhật ký. Trong cuốn nhật ký là những tình cảm, chia sẻ về tình bạn, tình đồng chí và chia sẻ những khó khăn, vất vả trong chiến tranh".

Căn phòng nhỏ của CCB Hồ Duy Thiện có đến gần 100 kỷ vật thời chiến tranh.

CCB Hồ Duy Thiện, nguyên là Trợ lý Tuyên huấn của Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Tháng 9/1970, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ. Năm 1972, tham gia chiến đấu trong chiến dịch “81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị” và được kết nạp Đảng ngay tại chiến trường. Năm 1975, ông cùng các đồng đội tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giải phóng Thừa Thiên Huế, Phan Rang, Long Thành và thành phố Sài Gòn - Gia Định, thống nhất Tổ quốc. 

"Khi chúng tôi đến đất Quảng Tín, mà nay là Quảng Ngãi, lúc đó, nhận được mật lệnh của Đại tướng: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến, toàn thắng”. Khi nghe mật lệnh của Đại tướng xong, lúc đó trong tâm mỗi người đều nghe rất rạo rực, ai cũng muốn xốc tới nhanh để giải phóng Sài Gòn, thống nhất Tổ quốc. Khi đó không ai sợ chết, ai cũng nghĩ đến chiến thắng, được trở về với quê hương. Lúc đến Dinh Độc Lập là 11 giờ 50 phút, khi đó mới biết là Lữ đoàn 203, xe tăng của Quân đoàn, đánh chiếm được Dinh Độc Lập rồi, mọi người vỡ oà sung sướng, ai cũng nhảy cẫng lên, nhiều người ôm nhau, nước mắt chảy giàn giụa, nước mắt của ngày chiến thắng, nước mắt của ngày gặp mặt. Đó là những khoảnh khắc mà tôi nhớ nhất" - CCB Hồ Duy Thiện chia sẻ.

Chiến tranh kết thúc, người lính Hồ Duy Thiện trở lại với giảng đường đại học, tiếp tục đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng Tổ quốc. Sau những năm tháng làm việc trong quân đội, năm 1988, CCB Hồ Duy Thiện về quê hương Tuyên Hoá làm việc và nguyên là Phó Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá.

Sau khi nghỉ hưu, cùng với vai trò là Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam huyện Tuyên Hoá, ông còn say mê với việc sưu tầm, viết báo, viết sách và viết sử cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Đến nay, ông đã xuất bản 3 tập sách, 10 cuốn lịch sử cho các Đảng bộ xã; 7 tập sách “Tuyên Hoá – Quê hương, con người” và hàng trăm bài báo.

Lượt xem: 757

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1932 người đã bình chọn
      Thống kê: 140.301
      Online: 58