Khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, lên phương án phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội cụ thể cho từng lĩnh vực theo quan điểm “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” là chỉ đạo trọng tâm của đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh tổ chức vào chiều nay (1/10). Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ phó Tổ công tác và các thành viên của Tổ công tác.

Quang cảnh buổi làm việc.

Nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tỉnh Quảng Bình kiểm soát được tình hình dịch Covid-19; kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân khôi phục và đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh; triển khai thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư toàn xã hội; đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống cho Nhân dân, đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, tạo đà cho tăng trưởng trong năm 2022, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ liên quan.

UBND tỉnh cũng đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu chuẩn bị dự thảo kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình trong điều kiện mới gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19. Kế hoạch được xây dựng dựa trên quan điểm của Chính phủ chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Kế hoạch yêu cầu việc thực hiện đảm bảo các nguyên tắc: Y tế là trụ cột, là trung tâm; Kinh tế là cơ sở, là nền tảng; Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; Ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; Vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết và an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn. Kế hoạch cũng đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trên từng nhóm lĩnh vực nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19.

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu cơ bản thống nhất với những nhiệm vụ và giải pháp do Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu trong dự thảo. Bên cạnh đó, cho ý kiến về một số nội dung cụ thể nhằm bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện các phuơng án một cách phù hợp đúng với quan điểm, mục tiêu mà kế hoạch đưa ra.

Đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện khẩn trương với mục tiêu nhanh nhất, sớm nhất hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khôi phục, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh; giải ngân các nguồn vốn đầu tư; đảm bảo an sinh xã hội, qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trên cơ sở nhận định đúng tình hình, Quảng Bình cần triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ ở từng nhóm lĩnh vực trên cơ sở thực hiện đúng quan điểm của Chính phủ.

Đối với nhiệm vụ phòng, chống dịch, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, đây vẫn phải được xác định là ưu tiên hàng đầu để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho Nhân dân, an toàn để sản xuất, kinh doanh. Do đó, phải thường xuyên tầm soát, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các địa bàn, khu vực tiềm ẩn nguy cơ để kiểm soát tốt tình hình.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính theo hướng đơn giản hoá thủ tục; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai các dự án trọng điểm; tập trung đảm bảo cho việc khôi phục hoạt động du lịch; chỉ đạo ưu tiên cho công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho Nhân dân, nhất là hỗ trợ người lao động có công ăn việc làm; tập trung đánh giá, triển khai phương án tổ chức dạy học ứng phó với diễn biến dịch.

Về dự thảo kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Tổ công tác để bổ sung hoàn thiện các phương án của kế hoạch. Cùng với đó, ngay sau khi kế hoạch được ban hành, các sở, ban, ngành, cơ quan, địa phương phải kịp thời cụ thể hóa và xây dựng kế hoạch triển khai nhằm hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Lượt xem: 603

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1936 người đã bình chọn
      Thống kê: 186.121
      Online: 53