Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, ngày 29/10, buổi sáng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự kiến quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về hai nội dung này. Tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình, ông Vũ Đại Thắng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; bà Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên thảo luận.
Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều, bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng Dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 121, ngày 31/12/2019.
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH đã khẳng định sự cần thiết sửa đổi luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành; đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam về kinh doanh bảo hiểm, qua đó cũng trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
 |
Các đại biểu dự phiên thảo luận tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình. |
Đồng tình với các quy định về bảo hiểm vi mô như trong dự thảo để có căn cứ pháp lý tổ chức cung cấp bảo hiểm cho hộ nghèo, người có thu nhập thấp, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao... để bảo vệ họ trước những rủi ro, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng loại hình bảo hiểm này có nhiều đặc thù khác so với bảo hiểm thông thường, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia. Đồng thời, các đại biểu kiến nghị cần có chính sách đặc thù cho loại hình bảo hiểm vi mô này.
Đối với hợp đồng bảo hiểm, các đại biểu đề nghị luật phải quy định rõ, tránh trường hợp bên bán bảo hiểm soạn hợp đồng chung chung, cài cắm nội dung gây nhiều cách hiểu khác nhau, để khi khách hàng yêu cầu bồi thường thì từ chối chi trả.
Trong phiên thảo luận ở tổ buổi chiều, ông Vũ Đại Thắng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề: Sự cần thiết phải ban hành tái cơ cấu kinh tế; về chuyển đổi số; nội dung thảo luận thứ 2 về dự kiến quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025)…
Thảo luận ở tổ, các ý kiến đều nhất trí với các báo cáo của Chính phủ cũng như các nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội. Các ĐBQH tỉnh Quảng Bình kiến nghị cần tiếp tục trình Quốc hội ban hành kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, nhằm đảm bảo khắc phục được hạn chế, yếu kém liên quan đến yếu tố năng suất lao động, đổi mới sáng tạo còn hạn chế trong giai đoạn 5 năm 2016-2020. Riêng đối với quy hoạch sử dụng đất, ĐBQH tỉnh Quảng Bình kiến nghị Quốc hội sớm thông qua làm cơ sở cho các địa phương thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.