Chiều ngày 19/3, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh. Đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xuất hiện các loại dịch bệnh trên gia súc như: Dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng và viêm da nổi cục trâu bò. Trong đó, đã có 10 ổ dịch tả lợn châu Phi tại các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn làm 96 con mắc bệnh. Dịch bệnh lở mồm long móng gia súc xảy ra tại 6 thôn thuộc các xã Tây Trạch, Phúc Trạch và các thị trấn Nông trường Việt Trung và Phong Nha làm 115 con trâu, bò mắc bệnh. Hiện số trâu, bò mắc bệnh đã lành triệu chứng. Đặc biệt, từ ngày 14/2/2021 đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục trâu bò đã xảy ra tại 42 thôn của 17 xã ở 3 huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch và Bố Trạch làm 403 con trâu bò mắc bệnh. Trong đó, 11 con bị chết, 50 con đã lành triệu chứng, còn 342 con đang được điều trị.

Đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, đại diện các ngành, địa phương đã nhận định, thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan là rất lớn. Nguyên nhân là do việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm soát chặt chẽ, đa số các bệnh đều do virus gây ra không có thuốc điều trị đặc hiệu, công tác quản lý hoạt động giết mổ gia súc ở nhiều địa phương chưa chặt chẽ, môi trường chăn nuôi chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh; việc kiểm tra, giám sát phát hiện bệnh ở cơ sở còn hạn chế; ý thức phòng, chống dịch của một số người chăn nuôi còn thấp… Đại diện các ngành, địa phương cũng đã đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc trong thời gian tới.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm nhấn mạnh: Trước tình hình dịch bệnh trên gia súc diễn biến phức tạp, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục đề cao trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được phân công gắn với chức năng nhiệm vụ của sở, ngành, địa phương tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế dịch tải lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, bệnh lở mồm long móng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tích cực, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật với phương châm phòng là chính kết hợp với các biện pháp, giải pháp kỹ thuật. Khi có dịch phải huy động cả hệ thống chính trị tham gia chống dịch.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu: UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc; hướng dẫn người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc.

Đối với các xã có dịch phải lập chốt kiểm soát tạm thời để ngăn chặn việc vận chuyển gia súc bị bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ gia súc mắc bệnh và công khai để Nhân dân biết; thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc phòng, chống dịch ở các địa bàn có nguy cơ cao; vệ sinh tiêu độc, khử trùng; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ gia súc trên địa bàn; khi phát hiện gia súc bị bệnh viêm da nổi cục cần cách ly gia súc; thực hiện các biện pháp chăm sóc để nâng cao sức đề kháng cho gia súc. Giám sát tình hình dịch bệnh để kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi mới phát hiện, không để lây lan diện rộng. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị liên quan, địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Lượt xem: 440

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1937 người đã bình chọn
      Thống kê: 191.663
      Online: 109