Ngày 01/9/2021, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1747/UBND-KT về việc phối hợp đảm bảo lưu thông, cung ứng hàng hóa trong tình hình dịch bệnh Covid-19 với nội dung cụ thể như sau:

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, để đảm bảo hoạt động lưu thông, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan tập trung phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Sở Giao thông Vận tải

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện ngay việc khảo sát, mở rộng và công bố các tuyến luồng xanh trên địa bàn tỉnh, đảm bảo kết nối đến tận các đầu mối hàng hóa, các điểm dân cư có nhu cầu cao tiêu thụ hàng hóa thiết yếu; đảm bảo việc vận chuyển đến tận các thôn, bản một cách thông suốt, thuận lợi; tổ chức thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải; tổ chức, cá nhân sở hữu phương tiện vận tải hàng hóa sử dụng phần mềm kê khai thông tin để được cấp Giấy chứng nhận phương tiện vận chuyển hàng hoá phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19 (cấp Thẻ nhận diện tự động) được ưu tiên hoạt động trên các tuyến luồng xanh đã được công bố.

- Tổ chức giao thông, kế hoạch vận tải, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 theo các quy định, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải.

- Sẵn sàng phương án huy động phương tiện vận tải để phối hợp với Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố vận chuyển hàng hóa, nông sản trong các vùng sản xuất về các vùng dịch, tuyệt đối không để ùn ứ nông sản.

2. Sở Công Thương

- Thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, nắm bắt tình hình sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa để chủ động điều phối cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu theo từng tình huống cụ thể. 

- Hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối, phát luồng hàng hóa tổ chức hệ thống phân phối, tăng năng lực dự trữ. Đồng thời, cung cấp thông tin (tên, địa chỉ, số điện thoại, mặt hàng…) của các doanh nghiệp, cơ sở cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các huyện, thị xã, thành phố; đưa thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận bằng nhiều hình thức đa dạng, như: (trực tuyến, qua điện thoại, bán hàng online, bán hàng đăng ký trước...).

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các giải pháp phù hợp với đặc thù của từng địa phương để tổ chức các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu trong điều kiện các chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động do thực hiện cách ly, phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19.

- Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu; chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, báo cáo UBND tỉnh nếu phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cung ứng các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp; đảm bảo hoạt động sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản được thuận lợi, thông suốt; thúc đẩy sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến tại các địa phương chưa bị nguy cơ dịch cao, tăng nguồn cung phục vụ nhu cầu tại chỗ.

- Thống kê, cập nhật sản lượng nông sản theo mùa vụ, theo địa bàn, phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương để kịp thời kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân và cung ứng cho các vùng thực hiện giãn cách xã hội.

4. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa, nắm chắc tình hình lưu thông, cung ứng hàng hóa trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo để đảm bảo không xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá tại các chợ, siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tự chọn, các điểm bán hàng lưu động…Đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men và các dịch vụ thiết yếu cho người dân nhất là người già, trẻ em, người yếu thế tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội; trong trường hợp các nguồn lực gặp khó khăn thì lập danh sách cần hỗ trợ gửi Sở Công Thương, Sở Y tế tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp giải quyết kịp thời.

- Chủ động đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm tại địa phương theo nguyên tắc “tại chỗ”. Trong điều kiện nguồn cung trên địa bàn khan hiếm thì cập nhật hướng dẫn của Sở Công Thương tại Văn bản số 1262/SCT-TM ngày 29/8/2021 về việc cung cấp thông tin các cơ sở cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm nhu yếu phẩm trên địa bàn để kịp thời xử lý.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương nghiên cứu giải pháp tổ chức điểm bán hàng lưu động, điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu, chợ tạm tại các xã, phường, thị trấn có chợ đang tạm ngưng hoạt động để đáp ứng nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân (theo hướng dẫn của Sở Công Thương tại Công văn số 1201/SCT-TM ngày 18/8/2021 về việc hướng dẫn bố trí địa điểm tạm thời sau thời gian tạm đóng cửa để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19).

- Căn cứ tình hình diễn biến dịch thực tế tại địa phương, năng lực cung ứng của hệ thống phân phối để triển khai cấp “thẻ vào chợ (siêu thị/trung tâm thương mại/cửa hàng bách hóa tổng hợp” cho người dân trong các khu vực thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (theo hướng dẫn của Sở Công Thương tại Công văn số 1070/SCT-TM ngày 27/7/2021 về việc hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg).

- Chỉ đạo các chốt kiểm soát tại các khu phong tỏa, cách ly thống nhất thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu đã có đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định được qua chốt để đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu đến người tiêu dùng; tạo điều kiện để đội ngũ nhân viên giao hàng (shipper) có đủ điều kiện di chuyển (Giấy đi đường còn hiệu lực, kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm) hoạt động giao hàng thuận lợi. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các đối tượng được phép vận chuyển, lưu thông hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bàn.

Tùy theo tình hình thực tế, các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp để đảm bảo phòng chống dịch và đảm bảo lưu thông, cung ứng hàng hóa trên địa bàn, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm thiết yếu.

5. Cục Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương liên quan để thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát lưu thông hàng hóa, giá cả, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng tình hình dịch bệnh để tung tin thất thiệt nhằm trục lợi gây bất ổn thị trường theo quy định của pháp luật.

6. Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã tạm thời tiếp tục cấp giấy phép vận tải (người điều khiển phương tiện, người giao hàng) liên huyện cho hoạt động vận chuyển hàng hóa thiết yếu theo quy định tại Công văn số 1692/UBND-KT ngày 28/8/2021 và Công văn số 1706/UBND-KT ngày 29/8/2021 của UBND tỉnh cho đến khi việc công bố, tổ chức hoạt động vận tải trên hệ thống luồng xanh nội tỉnh đảm bảo thực hiện thống nhất và thông suốt đến các điểm giao nhận hàng hóa theo thông báo của Sở Giao thông Vận tải.

Yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương triển khai thực hiện.

 

Theo quangbinh.gov.vn

 

Lượt xem: 343

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1937 người đã bình chọn
      Thống kê: 190.567
      Online: 36