Nghề gác chắn tưởng chừng như đơn giản nhưng ẩn đằng sau là bao vất vả, trách nhiệm nặng nề. Đối với phụ nữ, công việc này lại càng vất vả hơn do những đặc thù của nghề nghiệp. Tuy nhiên, bằng tình yêu và sự gắn bó với nghề, họ đã vượt qua khó khăn để góp phần bảo đảm bình yên cho mỗi chuyến tàu.

17 giờ 30 phút chiều, khi mọi người được trở về nhà sau một ngày làm việc cũng là lúc chị Tuyết chuẩn bị cho ca trực ở trạm gác chắn đường ngang tại Km 525+150 đường sắt Bắc - Nam. Ca trực của chị Tuyết kéo dài 12 tiếng liên tục, bắt đầu từ 18 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Đây cũng là khoảng thời gian tàu chạy nhiều chuyến và liên tục, do đó, chị Tuyết và đồng nghiệp phải thức trắng đêm để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho đoàn tàu và người dân khi tham gia giao thông.

Chị Trương Thị Phương Tuyết, nhân viên trạm gác chắn đường ngang Km 525+150 chia sẻ: “Mặc dù công việc khó khăn nhưng chúng tôi luôn cố gắng để làm tròn trách nhiệm của mình, đảm bảo an toàn cho người dân. Chúng tôi mong muốn những người tham gia giao thông đường bộ khi có tàu đến sẽ có ý thức chấp hành tốt để chúng tôi đỡ vất vả”.

Chị Nguyễn Thị Phương Ly, nhân viên trạm gác chắn đường ngang Km 520+137.

Gắn bó với nghề gác chắn đã hơn 8 năm, với chị Phương Ly, trạm gác nhỏ, chiếc điện thoại bàn và cuốn sổ nhật ký ghi chép lịch trình tàu chạy chính là người bạn thân thiết. Theo chị Ly công việc trực gác chắn không quá nặng nhọc nhưng yêu cầu tập trung cao độ và đôi khi phải có tinh thần thép để đối mặt với áp lực của tàu và cả những người tham gia giao thông.

Chị Phương Ly tâm sự: “Có nhiều người còn chủ quan, cố tình vượt chắn, bất chấp tín hiệu cảnh báo để qua đường. Thậm chí có người còn dùng những lời lẽ khó nghe hay đe dọa, hành hung…  Có khi chúng tôi còn phải đề phòng, đối phó với những thanh niên nghiện ngập, hút chích, say xỉn…”

Tại các trạm gác chắn đường ngang, nhân viên đã số là nữ. Công việc mỗi ngày của họ là nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận nhật ký thời gian tàu đến, bật đèn tín hiệu, sau đó kéo chắn để ngăn các phương tiện đường bộ đi qua, nhằm đảm bảo an toàn cho đoàn tàu lưu thông. Nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng nhân viên gác chắn phải chịu áp lực rất lớn về thời gian và những quy định nghiêm ngặt trong nghề. Đặc biệt, trong mỗi dịp lễ, Tết nỗi vất vả ấy càng nhân lên khi tàu tăng chuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành của một bộ phận người dân tham gia giao thông chưa cao, càng thêm khó khăn với người gác chắn. Tuy vất vả là vậy nhưng họ vẫn rất lạc quan, làm việc bằng tất cả nhiệt huyết, trách nhiệm đối với công việc mình đã gắn bó.

Công việc mỗi ngày của các nữ nhân viên gác chắn là nghe điện thoại trực ban,

ghi chép cẩn thận nhật ký thời gian tàu đến, bật đèn tín hiệu...

Dù nắng hay mưa, ngày hay đêm, hình ảnh những nữ nhân viên gác chắn như những bông hoa giữa đời thường. Những bông hoa ấy rực rỡ sắc màu, bởi nó khoác lên mình màu của những hy sinh thầm lặng, của ý thức trách nhiệm trong công việc. Với các chị, mỗi chuyến tàu đi qua an toàn, người dân được bình yên trở về nhà chính là niềm vui, niềm hạnh phúc.

Lượt xem: 285

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1932 người đã bình chọn
      Thống kê: 144.338
      Online: 19