Những năm gần đây, ngành Chăn nuôi không ngừng phát triển, từ chăn nuôi nhỏ lẻ đã chuyển dần sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị. Nhiều địa phương đã đưa Chăn nuôi thành lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm đáp ứng nhu cầu đó, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nông nghiệp Quảng Bình luôn không ngừng đổi mới ngành nghề đào tạo, xây dựng nghề Chăn nuôi thú y trở thành nghề trọng điểm cấp độ ASEAN.

Một tiết thực hành của nghề Chăn nuôi thú y

 

Mặc dù mới là sinh viên năm nhất nhưng dưới dự hướng dẫn tận tình của giảng viên Khoa Nông – Lâm – Ngư, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nông nghiệp Quảng Bình mà chỉ sau một tiết học thực hành môn Chẩn đoán và điều trị bệnh, các em sinh viên Lớp Cao đẳng Chăn nuôi thú y K6 đã có thể thực hành thành thạo việc tiêm phòng vắc xin dịch tả vịt trên đàn vịt con 2 tuần tuổi.

Với mục tiêu đào tạo những người thợ có chuyên môn cao trong lĩnh vực Chăn nuôi thú y, nhiều năm qua, Khoa Nông – Lâm – Ngư của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nông nghiệp Quảng Bình luôn không ngừng đổi mới giáo án dạy học, tăng cường thời gian thực hành cho học sinh, sinh viên. Em Hoàng Trọng Thái, sinh viên Lớp Cao đẳng Chăn nuôi thú y K6 nói: “Đến với Trường Cao đẳng kỹ thuật Công Nông Nghiệp Quảng Bình, em nhận thấy trường khang trang, sạch sẽ và các trang thiết bị dạy học rất hiện đại. Khi em đăng ký vào học thì nhận thấy thầy cô giáo thân thiện, nhiệt tình, thường xuyên lồng ghép các bài lý thuyết kết hợp với thực hành và có ứng dụng công nghệ 4.0, tạo điều kiện thuận lợi giúp chúng em hiểu được nhiều kiến thức hơn về chăn nuôi, thú y, về vật nuôi, con giống để sau này chăm sóc khách hàng hoặc là bán hàng tốt hơn”.

Chương trình đào tạo nghề Chăn nuôi thú y bao gồm những nội dung cơ bản về nuôi dưỡng, chăm sóc, chẩn đoán, phòng và điều trị bệnh cho vật nuôi, đồng thời ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ 4.0 vào chăm sóc sức khỏe đàn vật nuôi, cung cấp sản phẩm có giá trị cho thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, đảm bảo an toàn cho xã hội, phục vụ tốt chiến lược phát triển chăn nuôi bền vững. Em Hà Thị Lan,sinh viên Lớp Cao đẳng Chăn nuôi thú y K6 cho biết thêm: “Nghề Chăn nuôi thú y giúp cho em có khả năng chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh được tốt hơn, có thể hướng dẫn tốt kỹ thuật chăn nuôi và thú y cho người chăn nuôi trong sản xuất, giúp cho bà con chăn nuôi được tốt hơn và phát triển mạnh mẽ kinh tế của mình”.

Bên cạnh việc trang bị kiến thức về chăn nuôi như: di truyền, chọn lọc và nhân giống vật nuôi, các em học sinh, sinh viên còn được hiểu thêm về quy trình công nghệ chăn nuôi, thiết kế chuồng trại. Từ đó, có thể làm tốt công tác quản lý, nghiên cứu, phân tích kiểm định chất lượng thức ăn, kiểm soát môi trường chăn nuôi, cũng như marketing thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, phân tích kiểm định chất lượng và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Thạc sỹ Trương Tấn Huệ, Phó Trưởng Khoa Nông - Lâm – Ngư cho biết: "Để xứng đáng ngành nghề trọng điểm cấp độ ASEAN thì điều đầu tiên đối với giáo viên, giảng viên tiếp tục nghiên cứu, học tập, đặc biệt là về công nghệ thông tin cũng như là tiếng Anh để phục vụ cho trong công tác đào tạo, giảng dạy và cũng là một trong những điều quan trọng, đó là kỹ năng tay nghề của cán bộ, giảng viên, giáo viên. Hiện nay, 100% giảng viên giảng dạy ngành chăn nuôi thú y có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và hàng năm, 100% giảng viên về doanh nghiệp được thực hành, thực tập. Mặt khác trong lĩnh vực đào tạo, khoa luôn chú trọng liên kết đào tạo với các cái doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, với mục đích cho học sinh, sinh viên về thực tập, thực hành ở doanh nghiệp, tìm đầu ra cho học sinh, sinh viên khi ra trường cũng như phối hợp trong việc xây dựng, chỉnh sửa chương trình đào tạo, giáo trình giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Hiện nay đối với ngành chăn nuôi thú y, 100 % học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp được doanh nghiệp tuyển dụng và lương thời điểm ban đầu cũng là rất cao”.

Cùng với việc đào tạo kiến thức chuyên môn ở 2 hệ: cao đẳng và trung cấp, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nông nghiệp Quảng Bình hiện đang mở nhiều lớp đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, thanh niên dân tộc, người nghèo trên các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất khu vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.

                                                                                                                                               Quang Ngọc

 

 

Lượt xem: 263

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1932 người đã bình chọn
      Thống kê: 144.340
      Online: 21