Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng ngày 1/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia thảo luận về nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm phát biểu thảo luận tại phiên họp.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cơ bản đồng tình với các nội dung của Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời cho rằng, Dự thảo Luật lần này đã thể hiện được tinh thần đổi mới trong tư duy xây dựng Luật. Theo đó, Dự thảo Luật chỉ mang tính chất khung, còn quy định chi tiết sẽ giao cho Chính phủ.

Quan tâm đến nội dung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu rõ, chưa có sự phân công rõ ràng trách nhiệm trong công tác này.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu: “Điểm b khoản 3 Điều 7 của Dự thảo Luật quy định người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm thành lập, duy trì hoạt động Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở hoặc Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành hoặc phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật. Điểm e khoản 1 Điều 22 của Dự thảo Luật quy định về điều kiện an toàn phòng cháy đối với cơ sở yêu cầu phải thành lập lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở hoặc lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành theo quy định của pháp luật; đồng thời, khoản 4 Điều 37 của Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định cơ sở phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, cơ sở phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành.  Như vậy, giữa các quy định nêu trên của Dự thảo Luật chưa có sự thống nhất, chưa rõ ràng trường hợp nào thì cơ sở chỉ cần phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mà không cần thành lập Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành. Do đó, đề nghị rà soát, chỉnh lý các quy định nêu trên để bảo đảm tính thống nhất”.

Về ngân sách Nhà nước bảo đảm cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (theo Điều 50), đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho biết, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 38 của Luật Ngân sách Nhà nước, lĩnh vực “quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội” là một trong những nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách địa phương. Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng là một trong các nội dung thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Do đó, đại biểu cho rằng, không cần thiết phải quy định “trong nhiệm vụ chi ngân sách quốc phòng và an ninh hằng năm của UBND các cấp phải có nội dung bảo đảm cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” tại khoản 1 Điều 50 của Dự thảo Luật.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng lưu ý, Dự thảo Luật có nhiều nội dung giao Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết. Vì vậy, để đảm bảo khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ áp dụng được ngay, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị sớm Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm với Luật theo đúng quy định.

Lượt xem: 62

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Đóng góp ý kiến cho tin bài


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
     Thăm dò ý kiến, bình chọn
    Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
    1995 người đã bình chọn
    Thống kê: 419.923
    Online: 138